Chiến dịch Tây Ninh (3-25/11/1966)
Từ 14.9.1966, thực hiện kế hoạch Cuộc phản công chiến lược lần II của Mĩ (mùa khô 1966-67), Mĩ huy động khoảng 30 nghìn quân gồm sư đoàn 1, 2, Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 196, Trung đoàn Thiết giáp 11,1 tiểu đoàn của Lữ đoàn Dù 173 Mĩ, 9 tiểu đoàn bộ binh, 12 đại đội bảo an, 12 đại đội biệt kích, 1.500 dân vệ của quân đội Sài Gòn thực hiện hành quân Attơnborơ đánh phá Chiến khu Dương Minh Châu. Bộ tư lệnh Miền mở chiến dịch phản công nhằm bẻ gãy cuộc hành quân Attơnborơ với mục đích diệt sinh lực, hỗ trợ địa phương chống bình định, bảo vệ căn cứ. Bộ tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy; Tư lệnh, Trung tướng Trần Văn Trà, Chính ủy Nguyễn Văn Linh. Lực lượng tham gia gồm Sư đoàn 9 (2 trung đoàn 1, 2), Trung đoàn 16, lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh. Địa bàn chiến dịch chủ yếu diễn ra trong vùng căn cứ Dương Minh Châu, có rừng chiếm 3/4 diện tích xen kẽ nhiều trảng trống dọc đường 24, 4, 19, 13 và 26.
Sau khi quyết định mở chiến dịch, Bộ tư lệnh Miền xác định hai phương án tác chiến: phương án 1, sử dụng từng đơn vị nhỏ tiến công các đồn bốt, ấp chiến lược, hồ trợ cho phong trào của địa phương và uy hiếp địch, chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đánh địch phản kích, tiêu diệt gọn từng đại đội, tiểu đoàn địch bằng tập kích, phục kích; phương án 2, đi đôi với mở chiến dịch, chuẩn bị kế hoạch và lực lượng, sẵn sàng đánh địch càn quét, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ kho tàng, căn cứ. Đến ngày 2.11.1966, các đơn vị của Sư đoàn 9 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và hành quân đến căn cứ tập kết, sẵn sàng đánh địch theo phương án 1, trong đó Trung đoàn 1 tập kết ở khu vực tây bắc thị xã Tây Ninh (phía tây đường 22); Trung đoàn 16 và Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 2) tập kết ở khu vực bắc suối Đá (nam, bắc đường 13); Trung đoàn 2 (thiếu) đứng chân ở khu vực Long Nguyên.
Đêm 2 rạng sáng 3.11, ta sử dụng một bộ phận nhỏ tiến công các đồn bốt ở khu vực suối Bà Tươi và ấp chiến lược Trương Mít, diệt 1 đại đội bảo an, 1 trung đội biệt kích, phá hỏng 2 pháo. 9 giờ ngày 3.11, một bộ phận thuộc Lữ đoàn 196 Mĩ đổ bộ xuống Trảng Tranh (bắc Bàu Gòn), gần sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 9, bị trung đội vệ binh và đại đội trinh sát của sư đoàn kiên cường chặn đánh, diệt 50 quân địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng. Nhận định địch có thể tiếp tục càn lên phía bắc Bàu Gòn, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng hai trung đoàn 1 và 2 tiếp tục triển khai đánh địch theo phương án 1, đồng thời chuyển Trung đoàn 16 sang làm nhiệm vụ chống địch càn quét, trong đó đưa Tiểu đoàn 9 về đứng chân ở căn cứ Dương Minh Châu, các tiểu đoàn 7 và 8 sẵn sàng đánh địch ở khu vực nam - bắc đường 13 (đoạn Lộc Ninh - Võ Tùng).
Thực hiện quyết định trên, đêm 3 rạng sáng 4.11, bộ đội tập kích và pháo kích dữ dội vào các căn cứ địch ở Gò Dầu, Bàu Đồn, Trâm Vàng, chi khu quân sự Trảng Bàng và sở chỉ huy Lữ đoàn 196 đóng ớ Trảng Lớn. Sáng 4.11, địch đổ hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 196 xuống khu vực tây bắc Bàu Gòn, kết hợp với lực lượng đổ bộ từ hôm trước tổ chức tiến công vào trận địa của Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 16) theo hai hướng tây và tây bắc. Lợi dụng địa hình rừng núi và hệ thống công sự chuẩn bị sẵn, Tiểu đoàn 9 đã đẩy lui được nhiều đợt tiến công, diệt nhiều sinh lực địch. Ngày 5.11, quân Mĩ tiếp tục đổ thêm một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2 (Sư đoàn Bộ binh 25) xuống Trảng Dài, phối hợp với lực lượng của Lữ đoàn 196 hình thành ba hướng tiến công vào trận địa của Tiểu đoàn 9. Trong hai ngày, các đơn vị của Tiểu đoàn 9 đã kiên cường chiến đấu, giữ vững trận địa, đánh bại cuộc tiến công của hơn 3 tiếu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm quân, thu 33 súng. Sau thất bại này, tướng Đxôtxuya chỉ huy cuộc hành quân bị cách chức.
Ngày 3.11, đơn vị B16 tổ chức phục kích, chặn đánh một đại đội thuộc Tiểu đoàn Biệt kích 33 quân đội Sài Gòn từ Võ Tùng tiến vào khu vực Bàu Cột, Chà Dơ, diệt 20 quân địch; đêm 4 rạng sáng 5.11, Tiểu đoàn 7 tập kích diệt gọn một đại đội biệt kích khác của địch đang trú quân tại Chà Dơ. Bị tổn thất nặng ở Bàu Gòn, Bộ chỉ huy Mĩ phải điều các sư đoàn bộ binh 1 và 25, Lữ đoàn Dù 173 và Trung đoàn Thiết giáp 11 lên Tây Ninh tiếp tục cuộc hành quân, giao cho tướng Đepit, Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 1 nắm quyền chỉ huy. Sau khi triển khai xong các cụm pháo binh ở suôi Đá, Lộc Ninh, ngày 6.11, Lữ đoàn 2 (Sư đoàn 1) đổ bộ xuống khu vực Trại Đèn, Bãi Trảng bị các đơn vị của Trung đoàn 16 liên tục bám đánh. Ngày 6.11, một trung đội của Tiểu đoàn 8 phục kích diệt 38 quân Mĩ ở phía đông Trại Đèn; đêm 7 rạng sáng 8.11, Tiểu đoàn 7 tập kích vào Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 2) tại Chà Dơ, diệt một đại đội và đánh tiêu hao một đại đội khác, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 quân Mĩ. Ngày 9.11, quân Mĩ tiếp tục mở rộng phạm vi càn quét, Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 1) càn quét ở các khu vực Cầu Khởi, Bàu Gang, Bàu Sen; ngày 10.11, một tiểu đoàn bộ binh cùng một tiểu đoàn kị binh thiết giáp và một tiểu đoàn pháo binh hành quân lên khu vực Bàu cỏ, Bàu Bạc chuẩn bị càn quét dọc tỉnh lộ 4.
Trong lúc quân Mĩ tập trung càn quét, đêm 11 rạng sáng 12.11, Bộ tư lệnh Chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 1 sử dụng hỏa lực pháo binh, đánh vào cụm địch đóng ở Trảng Lớn, đồng thời tiến công tiêu diệt Đại đội biệt kích 338 ở Trảng Sụp, ngã ba Vịnh; Trung đoàn Bộ binh 2 tập kích hoả lực vào sở chỉ huy Sư đoàn 1 Mĩ ở Dầu Tiếng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 quân địch, phá huỷ 17 máy bay trực thăng và 2 pháo. Phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu đẩy mạnh diệt ác, phá kìm, đánh phá giao thông trên đường 22 và quốc lộ 1. Riêng lực lượng vũ trang Dầu Tiếng trong tháng 11 diệt 170 quân Mĩ, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, trong đó có chiếc chở phó tư lệnh cuộc hành quân (20.11). Trên vùng căn cứ, du kích và tự vệ cơ quan cũng hoạt động tích cực, lập các phân đội nhỏ diệt xe cơ giới: Đội du kích B5 thuộc Trung ương Cục diệt 8 xe, 55 quân Mĩ, Tiểu đoàn 170 diệt 8 xe MI 13, 40 quân Mĩ.
Ngày 14.11, quân Mĩ ở Bàu cỏ, Bàu Bạc tiến lên Giếng Thi, Đồng Pan nhằm thọc sâu vào căn cứ của ta. Nắm được ý định của địch, Bộ tư lệnh Chiến dịch chỉ thị cho Sư đoàn 9 nhanh chóng triển khai chặn đánh dọc khu vực lộ 4 từ Giếng Thi đen Cà Tum, đồng thời sử dụng Trung đoàn 2 và một tiếu đoàn của Trung đoàn 1 đánh mạnh vào bên sườn và phía sau địch. Từ 15-20.11, bộ đội đánh nhiều trận ở Bàu Cỏ, Sóc Ki, Cà Tum, Khe Đu, Sóc Mới, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm địch, phá huỷ hàng chục xe cơ giới, bắn rơi nhiều máy bay. Bị chặn đánh liên tiếp, quân Mĩ tìm cách rút dần lực lượng về căn cứ. Ngày 20.11, Lữ đoàn 173 và Trung đoàn Thiết giáp 11 rút khỏi Dầu Tiếng; ngày 21.11, Sư đoàn 1 cũng bắt đầu tổ chức rút quân, Bộ tư lệnh Chiến dịch yêu cầu các đơn vị tích cực bám đánh. Đêm 21.11, Trung đoàn 1 pháo kích cụm địch ở Tà Đạt, diệt 100 quân; đêm 22.11, Trung đoàn 16 pháo kích cụm pháo địch ở suối Đá, phá hỏng 2 pháo.
Trước những tổn thất nặng nề mà vẫn không đạt mục đích đề ra, ngày 24.11, tướng Oetmolen buộc phải tuyên bố kết thúc hành quân Attơnborơ. Trên đường rút, quân Mĩ vẫn bị ta tập kích nhiều trận, trong đó: đêm 25.11 Trung đoàn 2 pháo kích lần thứ hai vào Dầu Tiếng, diệt 300 quân địch, phá huỷ 5 máy bay, 2 pháo 105 mm và 12 nghìn lít xăng dầu. Sau trận này, ta chủ động kết thúc chiến dịch. Cùng với kết quả của giai đoạn 14.9-2.11, trong chiến dịch ta loại khỏi vòng chiến đấu 4.500 quân địch (1.700 quân Mĩ), bắn rơi và phá huỷ 65 máy bay, phá huỷ 45 xe quân sự, 7 pháo, thu 106 súng các loại, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 196.
Chiến dịch Tây Ninh đã giáng đòn vào lực lượng cơ động Mĩ, đánh bại mưu đồ triệt phá kho tàng và âm mưu “tìm diệt” chủ lực Quân Giải phóng, góp phần làm thất bại kế hoạch Cuộc phản công chiến lược lần II của Mĩ (mùa khô 1966-67). Bộ tư lệnh Chiến dịch đã phán đoán đúng âm mưu, thủ đoạn của địch để tổ chức, bố trí lực lượng phù hợp, vừa sử dụng rộng rãi lực lượng tại chỗ chống càn bảo vệ căn cứ, vừa sử dụng bộ đội chủ lực tập trung đánh vào bên sườn, phía sau hoặc ở những địa hình hiểm yếu, đẩy địch vào thế bị động đối phó và buộc phải kết thúc cuộc hành quân. Chiến dịch đã tạo tiền đề để quân dân Nam Bộ tổ chức các chiến dịch phản công, đánh bại các cuộc hành quân lớn hơn của Mĩ sau này. Tuy nhiên, ta còn có một số hạn chế như phương tiện thông tin thiếu, không đáp ứng được yêu cầu chỉ huy hiệp đồng chiến đấu; một số đơn vị còn ham đánh lớn, trong khi công tác chuẩn bị và nắm địch không tốt, nên đánh hụt, bỏ lỡ thời cơ diệt nhiều địch.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)