Chiến dịch Thượng Lào 1954 (29/1-13/2/1954)
Sau khi quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Nava ra lệnh cho tư lệnh quân Pháp ở Lào huy động 1 binh đoàn (có 6 tiểu đoàn) do Vôđrây (Vaudrey) chỉ huy, tổ chức cuộc hành quân Acđet (bắt đầu từ 25.11.1953) từ Luông Phabăng tiến công đánh chiếm Mường Ngòi, Nậm Bạc, Mường Khoa để xây dựng “phòng tuyến sông Nậm Hu” nhằm bảo vệ Thượng Lào, Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập và tạo hành lang bảo đảm lục quân từ Điện Biên Phủ về Luông Phabăng. Phòng tuyến gần một loạt cứ điểm dọc sông Nậm Hu từ Pắcu lên Mường Ngòi, Mường Khoa với lực lượng khoảng 20 đại đội (khoảng 6 tiểu đoàn).
Trưa 26.1.1954, trước tình hình Pháp đã tăng cường phòng ngự ở Điện Biên Phủ, ta tạm thời hoãn tiến công, tiếp tục chuẩn bị để đánh với phương châm “đánh chắc tiến chắc”, đồng thời quyết định mở chiến dịch tiến công Thượng Lào đánh phòng tuyến sông Nậm Hu, nhằm cô lập địch ở Điện Biên Phủ hơn nữa, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giúp Lào mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ sau lưng ta, vừa nghi binh thu hút sự chú ý của địch, bảo đảm cho bộ đội từ điểm xuất phát tiến công rút ra khu tập kết an toàn. Lực lượng tham gia chiến dịch là Đại đoàn 308, có các trung đoàn bộ binh 102, 88, 36, tiểu đoàn phòng không và một số đơn vị trực thuộc, 1 đại đội trinh sát của bộ tổng tham mưu có nhiệm vụ nắm địch ở Mường Khoa. Để phối hợp với Đại đoàn 308, Bộ Tổng tư lệnh điều Trung đoàn 148 tiến về Phongxalì cùng bộ đội Pathét Lào tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai. Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến dịch: Vương Thừa Vũ (Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 308).
Địa bàn chiến dịch thuộc hai tỉnh Luông Phabăng và Phongxalì; là khu vực rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt của Thượng Lào, phía đông giáp Sơn La và Lai Châu của Việt Nam. Trong khu vực chỉ có một đường ô tô đi về phía biên giới Trung Quốc, một đường đất theo thung lũng Nậm Hu xuống Luông Phabăng. Sông Nậm Hu dài 315 km, rộng trung bình 80-100 m, về mùa nước cạn có nhiều chỗ lội qua được, lòng sông chỉ rộng 30-50 m, nhưng gần đến cửa sông có chỗ rộng 400 m. Chiều ngày 26.1.1954 (4 giờ sau khi nhận lệnh), các đơn vị của Đại đoàn 308 rời khu vực Hong Lech (phía tây Điện Biên Phủ) lần lượt tiến sang Thượng Lào. Ngày 29.1, sau khi vượt 80 km đường rừng, phần lớn lực lượng đại đoàn đến sốp Nao. 20 giờ ngày 29.1, Pháp phát hiện ta đã đến Lào nên rút khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc, Bộ chỉ huy Đại đoàn quyết định chia làm 2 cánh truy kích địch: Trung đoàn 102 (cánh thứ nhất) truy kích theo hướng Mường Khoa - Mường Sài; Trung đoàn 88 và 36 (cánh thứ hai) truy kích theo hướng Nậm Bạc - Luông Phabăng. Sáng 30.1, cánh quân thứ nhất do Đại đoàn phó Cao Văn Khánh chỉ huy vượt sông Nậm Hu tiến về phía Mường Khoa - Mường Sài; đêm 30.1, nhận được tin địch đang trên đường rút chạy về Mường Sài cách đơn vị khoảng 10 km, bộ phận quân báo của đại đoàn vượt lên trước, phối hợp với một đơn vị địa phương Lào chốt chặn phía trước đường hành quân của địch. Bị chặn trước, đội hình địch dồn lại, Tiểu đoàn 18 (Trung đoàn 102) tổ chức nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình địch, 1 đại đội Pathét Lào đang trên đường đi Mường Sài chủ động đến phối hợp. Bị tiến công bất ngờ, đội hình địch bị chia cắt làm đôi; cụm thứ nhất gom Tiểu đoàn 5 Tabo (5erTABOR) và 3 đại đội Phái hữu Lào do Thiếu tá Vôđrây chỉ huy; cụm thứ hai có 3 đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 Lê dương và 1 đại đội Quân đội Vương quốc Lào do Thiếu tá Cabari (Cabari) chỉ huy. Các cụm quân này chiếm giữ các điểm cao vừa chống cự, vừa rút chạy. Địch đông, địa hình rừng núi phức tạp nên trận đánh kéo dài, ta diệt và bắt một số, nhưng không đủ khả năng dứt điểm. Lợi dụng trời bắt đầu tối và địa hình rừng núi, địch bí mật rút về hướng Mường Sài; Tiểu đoàn 18 chiếm lĩnh địa hình có lợi, từ trên đánh xuống diệt hàng trăm, bắt 54 quân địch. Trong 2 ngày (1-2.2), hai tiểu đoàn 79 và 54 tiêu diệt và đánh tan 4 đại đội do Cabari chỉ huy. Cả hai tiểu đoàn địch từ Mường Khoa về cơ bản bị Trung đoàn 102 loại khỏi vòng chiến đấu, diệt và bắt hàng trăm địch trong đó có Thiếu tá Cabari và Đại úy Lămbe.
Trên hướng Nậm Bạc - Luông Phabăng, quân Pháp và Quân đội Vương quốc Lào đã rút chạy khỏi Mường Ngòi. Ngày 1.2, Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 36) được nhân dân địa phương hỗ trợ, nhanh chóng vượt sông Nậm Hu, đánh thẳng vào 1 tiểu đoàn địch đang tạm dừng trên các quả đồi; liên tiếp 10 trận, xoá sổ tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Ngày 2.2, Trung đoàn 36 tiến vào thung lũng Nậm Bạc, phát hiện địch trong đồn án ngữ lối vào thung lũng đang chuẩn bị rút, Đại đội 396, bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 89 chớp thời cơ đánh thẳng vào đồn, địch hốt hoảng rút chạy, ta làm chủ cả vùng thung lũng Nậm Bạc. Ngày 3.2, Trung đoàn 36 tiếp tục tiến thẳng về phía Nậm Ngà, Trung đoàn 88 đi sau, tiến vào các khu vực mới giải phóng truy quét tàn binh địch, cùng lục lượng vũ trang Lào xây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 5.2, Trung đoàn 36 (đi đầu là Tiểu đoàn 89) tiến đến sát Nậm Ngà. Tiểu đoàn 1 tự trị Thái (1 ẽBAT) từ Mường Sài tới tăng viện cho Nậm Ngà, đại đội đi đầu của địch đã vào đồn còn 2 đại đội đang tới khu vực ngã ba Nậm Bạc - Nậm Ngà - Mường Sài.
Hai đại đội đi sau của Tiểu đoàn 89 (đại đội 395, 397) nhanh chóng tổ chức đội hình thành thế bao vây hai đại đội của địch ở khu vực ngã ba. Đại đội 399 (Tiểu đoàn 89) đi đầu tiếp tục tiến về phía đồn Nậm Ngà tổ chức bao vây địch ở trong đồn. Ở khu vực ngã ba diễn ra trận tao ngộ chiến khá ác liệt, ta tổ chức nhiều mũi tiến công nhằm uy hiếp và phân tán địch, tiêu diệt và làm tan rã 2 đại đội địch. Phát huy thắng lợi, Tiểu đoàn 89 dồn toàn bộ lực lượng tiến công tiêu diệt đồn Nậm Ngà. Chiều 7.2, Trung đoàn 36 tiến xuống Pắc Sương, liên lạc được với Tiểu đoàn bộ đội địa phương 970 Pathét Lào và tiếp tục truy kích 5 đại đội địch mới bỏ đồn chạy về Luông Phabăng. Chiều 11.2, sau khi vượt sông Nậm Hu (quãng ngã ba sông Nậm Hu gặp sông Mê Công), Tiểu đoàn 80 (Trung đoàn 36) tiến công đồn Bản Na (cách Luông Phabăng 10 km), địch hoang mang, tan vỡ nhanh chóng; ta diệt 1 trung đội Lê dương, 1 trung đội dù Quân đội Vương quốc Lào, bắt hàng chục địch trong đó có 1 quan hai Pháp. Từ ngày 4.2, trên hướng Mường Sài, Trung đoàn 102 áp sát các vị trí tiền tiêu, dùng cối bắn vào các khu vực của địch. Trước sức ép của ta, Pháp phải lập cầu hàng không tăng cường 8 tiểu đoàn cơ động cho Thượng Lào, xây dựng 2 cụm cứ điểm mới ở Mường Sài và Luông Phabăng. Ngày 13.2.1954, Đại đoàn 308 nhận lệnh của Bộ kết thúc chiến dịch và bí mật quay trở về Điện Biên Phủ; đơn vị trinh sát của Bộ ở lại làm nhiệm vụ chuẩn bị đánh Luông Phabăng để đại đoàn rút quân an toàn. Trong hơn 10 ngày tiến công, truy kích địch trên chặng đường dài hơn 200 km, Đại đoàn 308 cùng các lực lượng Pathét Lào đã diệt Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Bộ binh 4 Lê dương (2/4REI), 3 đại đội phái hữu, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn phái hữu, tiêu hao một bộ phận Tiểu đoàn 5 Tabo; loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2 nghìn, bắt 354 quân địch (trong đó có 10 sĩ quan Pháp), thu hàng chục tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, giải phóng lưu vực sông Nậm Hu; Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập.
Chiến dịch Thượng Lào 1954 đạt trọn vẹn mục tiêu cả chiến lược và chiến dịch, làm phá sản ý định của Nava chiếm đóng Điện Biên Phủ đế bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ Luông Phabăng. Pháp buộc phải tăng quân cho Mường Sài và Luông Phabăng, lực lượng cơ động một lần nữa bị phân tán. Chiến dịch Thượng Lào 1954 đã làm tiêu hao sinh lực địch, đánh lạc hướng chú ý của địch với Điện Biên Phủ, tạo điều kiện để các lực lượng chuẩn bị tốt hơn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Thượng Lào còn tạo điều kiện cho Trung đoàn 148 cùng bộ đội Pathét Lào giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, khu vực tỉnh lị và một vùng rộng lớn tỉnh Phongxalì. Nét nổi bật nghệ thuật chiến dịch thể hiện trên 3 mặt: sử dụng lực lượng quy mô đại đoàn tạo thành sức mạnh áp đảo, buộc địch rút chạy tạo điều kiện cho ta truy kích; điều hành chiến dịch: chấp hành mệnh lệnh, công tác tổ chức, chuẩn bị trong điều kiện chiến trường rừng núi, xa hậu phương, công tác nắm địch, tổ chức thông tin liên lạc; trong thực hành chiến dịch: cán bộ, chiến sĩ chủ động truy kích địch, hiệp đồng tác chiến theo tiếng súng, tổ chức bộ phận gọn nhẹ vượt lên trước chặn địch, tạo điều kiện cho đơn vị phía sau cơ động lên triển khai tiến công.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)