Chiến thắng sông Lô - vang mãi bản hùng ca
Hà Nội (TTXVN 16/10/2017) Ngày 24/10/1947, quân và dân ta lập nên chiến công vang dội trên dòng sông Lô, bẻ gãy một trong ba gọng kìm bằng đường thuỷ của thực dân Pháp, làm thất bại âm mưu tấn công lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta là Trung ương Đảng và Bác Hồ. 70 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng sông Lô vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Ngày 22/10/2017, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Sông Lô.
* Chiến thắng sông Lô: sự sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh của quân và dân ta
Thu đông năm 1947, sau khi đánh chiếm được một số vùng ở đồng bằng và trung du, thực dân Pháp âm mưu mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, hủy căn cứ địa kháng chiến, kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tấn công Việt Bắc, thực dân Pháp còn nhằm mục đích khóa chặt biên giới Việt-Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa Việt Nam với bè bạn quốc tế.
Để thực hiện ý đồ này, thực dân Pháp đã huy động hơn 2.000 quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay, 40 ca nô, tàu chiến tấn công lên Việt Bắc. Gọng kìm phía Đông theo đường số 4 do binh đoàn Bôphrê đảm nhiệm. Gọng kìm phía Tây theo đường sông Lô do binh đoàn Commuynan đảm nhiệm.
Về phía ta, ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Chỉ thị đã trở thành ý chí quyết tâm và lan tỏa trong toàn quân, toàn dân ta. Phát huy được lợi thế vừa trên sông nước, vừa phục kích đôi bờ, tại khu vực mặt trận sông Lô, Ban Chỉ huy các lực lượng khu 10 đã triển khai kế hoạch phối hợp với dân quân, du kích của tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang tích cực phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Tại Chí Đám (Đoan Hùng) và Bình Ca (Tuyên Quang), ta xây dựng trận địa phục kích, chặn đánh tàu chiến của địch trên đường tấn công Việt Bắc…
Với mục tiêu: Diệt gọn toàn bộ cánh quân thủy của địch, Ban chỉ huy mặt trận đã xây dựng kế hoạch hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực gồm pháo binh, bộ binh, công binh... với dân quân, du kích địa phương. Pháo binh mạnh được thí điểm áp dụng chiến thuật mới “đặt gần, bắn thẳng”, đã bố trí trận địa giả ở các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Văn Cương nhằm nghi binh thu hút hỏa lực địch. Nhân dân địa phương các xã thuộc huyện Đoan Hùng nằm dọc ven sông Lô nô nức tham gia đóng góp lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ cho trận đánh; đã chuẩn bị trống, mõ, kẻng, thùng khua vang để gây thanh thế cho trận chiến; đặc biệt là nhân dân xã Chí Đám và xã Hữu Đô đã hái quả bưởi đem sơn đen vỏ rồi thả xuống dòng sông Lô giả làm thủy lôi hướng luồng tàu địch. Tất cả các đơn vị, mọi binh chủng tham gia trận đánh đều được phân công nhiệm vụ cụ thể và có đủ điều kiện phối hợp để phát huy triệt để mọi khả năng tác chiến, đảm bảo thắng lợi cho trận đánh. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô – thu đông năm 1947 ta tiêu diệt hơn 1.000 tên địch; 10 tàu chiến và 1 ca nô; hạ 1 thủy phi cơ (máy bay chiến đấu), thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự.
Đánh giá về chiến thắng sông Lô, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: "Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên sông Lô và trên con đường Tuyên - Hà tuy chỉ tiêu diệt được trên 1.000 tên tinh nhuệ địch, nhưng khiến cho binh lính, sĩ quan địch mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai kế hoạch của địch mà còn phá một phần lớn kế hoạch tấn công Việt Bắc. Giá trị của trận sông Lô chính là ở chỗ đó" (Trường Chinh - Báo Sự Thật, ngày 19-12-1947)
Chiến thắng sông Lô khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh do Đảng ta chủ trương và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó còn là sự sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh của quân và dân ta, biết kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc.
* Phát huy truyền thống Đoan Hùng xây dựng cuộc sống ấm no
Chiến thắng sông Lô - niềm tự hào của quân và dân cả nước, là niềm tin để nhân dân Đoan Hùng vượt mọi khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Với hành trình 70 năm dựng xây và phát triển, quân và dân Đoan Hùng đã làm nên những kỳ tích tô thêm truyền thống vẻ vang của quê hương.
Trong phát triển kinh tế, Đoan Hùng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Kinh tế của huyện có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,98%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Huyện đã triển khai thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm như phát triển cây bưởi đặc sản; phát triển cây chè; trồng rừng sản xuất, mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô… mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội để người dân làm giàu chính đáng. Cây bưởi tiếp tục phát huy vai trò là cây thế mạnh, cây làm giàu, mang lại thu nhập cao cho người dân, đến nay toàn huyện có trên 2.000 ha bưởi. Đoan Hùng cũng là huyện đi đầu của tỉnh về phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc với độ che phủ rừng đạt gần 100% đất lâm nghiệp. Đến nay huyện có 2/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trung bình 11,9 tiêu chí/xã.
Kết cấu hạ tầng nông thôn bao gồm điện, đường, đê điều thủy lợi… được quan tâm đầu tư với tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 1.300 tỷ đồng/năm. Từ sản xuất tự phát, đến nay Đoan Hùng có gần 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả; hình thành 2 cụm công nghiệp và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có các sản phẩm uy tín; có một số sản phẩm xuất khẩu đến các nước trên thế giới. Tính riêng năm 2016, giá trị tăng thêm công nghiệp- xây dựng đạt trên 532 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Từ một trong những huyện nghèo của tỉnh, tính đến hết năm 2016, Đoan Hùng đã vươn lên là một huyện phát triển khá với tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 140 tỷ đồng, là huyện đứng thứ 2 của tỉnh (chỉ sau thành phố Việt Trì) về thu ngân sách.
Đoan Hùng hiện có 55/88 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Mạng lưới y tế tiếp tục được đầu tư mở rộng với cơ sở, trang thiết bị từng bước được trang bị hiện đại, trong đó Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương là mô hình bệnh viện tư nhân đầu tiên ở các tỉnh phía Bắc hoạt động hiệu quả. Chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn gần 7%... ./.
Tuấn Anh (tổng hợp)