Chính sách đối ngoại của Luxembourg
Luxembourg là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Liên Hợp quốc. Công tác đối ngoại của Luxembourg được chia theo ba hướng tiếp cận (3D): Ngoại giao (Diplomatie), Phát triển (Development) và Quốc phòng (Defense) nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững với chủ trương ủng hộ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Là nước nhỏ có nền kinh tế mở nên lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Do vậy, Luxembourg luôn ủng hộ tiến trình xây dựng Liên minh châu Âu, ủng hộ việc mở rộng EU sang Trung và Đông Âu.
Chính sách hợp tác phát triển và hoạt động nhân đạo là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Luxembourg, thể hiện sự đoàn kết quốc tế được khẳng định nhờ vào sự nỗ lực và cải tiến không ngừng của Chính phủ Luxembourg.
Về chính sách hợp tác phát triển: Tuy là nước nhỏ nhưng Luxembourg quan tâm đến hợp tác phát triển, trở thành thành viên Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) từ năm 2013 và năm 2015 trở thành nước châu Âu đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Từ năm 2009, Luxembourg cam kết dành 1% GDP cho viện trợ phát triển và đã tăng lên đến 2% GDP vào năm 2020. Mục tiêu của chính sách hợp tác phát triển của Luxembourg là phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển với trọng tâm là con người, phụ nữ và trẻ em. Cho tới nay, viện trợ phát triển của Luxembourg ưu tiên dành cho 9 nước trong đó có 5 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara (Burkina Faso, Cap Vert, Mali, Niger và Sénégal), 2 nước châu Mỹ La tinh (Nicaragua và El Salvador), 2 nước châu Á (Lào và Việt Nam). Các lĩnh vực ưu tiên gồm: (i) nước và vệ sinh; (ii) giáo dục; (iii) đào tạo và hướng nghiệp; (iv) sức khỏe và phát triển địa phương.
Hợp tác phát triển của Luxembourg được thực hiện thông qua các Chương trình hợp tác định hướng (PIC), là khuôn khổ xây dựng các dự án, chương trình hợp tác nhiều năm giữa Luxembourg và các nước nhận viện trợ.
Nguồn: Bộ Ngoại giao