Chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các thư tịch cổ

Hà Nội (TTXVN 21/4/2020)

“Phủ biên tạp lục” – cuốn sách do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776 là tài liệu cổ xưa, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Nghĩa.

Lê Quý Đôn miêu tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của chúa Nguyễn đối với 2 quần đảo này.

Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

Sách chép: “Ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.”

“ Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ đến tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về…

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản…”

“Đại Việt sử ký tục biên” (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê-Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn.

Ý nghĩa của “Đại Việt sử ký tục biên” chính là tác phẩm này đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản viết tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.

Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. (Ảnh: TTXVN)

“Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần dư địa chí chép về Hoàng Sa từ địa thế, sản vật đến việc tổ chức Đội Hoàng Sa.

Sách viết: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển. Ngoài biển phía Đông Bắc có đảo (Hoàng Sa), nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ chỗ núi (chính) ra biển (sang các đảo khác) ước chừng hoặc một ngày hoặc vài trống canh.

Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi. Trong bãi có dòng nước trong suốt đến đáy. Sườn đảo có vô số yến sào, các thứ chim có đến hàng nghìn vạn con, thấy người vẫn cứ đỗ quanh, không bay tránh…

Các đời chúa Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy những hải vật. Hằng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm kiếm các thứ… Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn đến thành Phú Xuân, đưa nộp.”

“Đại Nam thực lục chính biên” là bộ sử ký do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn, viết về các đời vua Nguyễn. Phần viết về đời Vua Gia Long (1802-1819), Vua Minh Mệnh (1820-1840), Vua Thiệu Trị (1841-1847) được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Vua Gia Long chiếm hữu các đảo Hoàng Sa; sự kiện Vua Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này.

Năm 1815, Vua Gia Long “cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển.”

Năm 1816, Vua Gia Long “lệnh cho thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển.”

Năm 1833, Vua Minh Mệnh chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị thuyền sang năm sẽ phái tới Hoàng Sa dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối.

Năm 1834, Vua Minh Mệnh cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ.

Năm 1835, Vua Minh Mệnh sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến Hoàng Sa dựng miếu. Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong.

Năm 1836, chuẩn y lời tâu của Bộ Công, Vua Minh Mệnh sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ. Yêu cầu của công việc đo đạc, vẽ bản đồ đã được “Đại Nam thực lục chính biên” ghi lại rất chi tiết:

“Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển chung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tận đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình.”

“Đại Nam nhất thống chí” là bộ sách địa lý chính thức của nước Việt Nam, do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865-1910. Phần nói về tỉnh Quảng Ngãi xác định các đảo Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi và công việc khai thác các đảo này vẫn tiếp tục, việc quản lý được tăng cường dưới các đời Vua Gia Long và Minh Mệnh.

Sách viết: “Phía đông tỉnh Quảng Ngãi, có đảo cát (tức đảo Hoàng Sa), kiền cát với biển làm hào, phía Tây Nam miền sơn man, có lũy dài vững vàng, phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn.”

“Đầu đời vua Gia Long, phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đây thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam còn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ “Vạn lý Ba Bình” (muôn dặm sóng yên).

Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn, phía Đông và phía Tây đảo đều có đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than Thạch. Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được đồng lá và gang sắt có đến hơn 2000 cân.”