Chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các văn bản hành chính cổ
Hà Nội (TTXVN 21/4/2020)
Các Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này. Điển hình như:
+ Các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (27/6/1830 – năm Minh Mệnh thứ 11)
+ Bản dụ của vua Minh Mệnh thứ 16 (11/7/1835) và vua Minh Mệnh thứ 18 (13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa
+ Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công dâng sớ lên tâu vua rằng: “Bản quốc Hải cương Hoàng Sa xứ, tối thị hiểm yếu” (Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, hết sức hiểm yếu).
+ Các bản tấu của Bộ Công (13/7/1837 – năm Minh Mệnh thứ 18) về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ, về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được…
+ Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6/1838 – năm Minh Mệnh thứ 19) cho biết đoàn khảo sát Hoàng Sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo thuộc 3 vùng, (trong đó có 12 hòn đảo đoàn đến kiểm tra lại, còn 13 đảo đoàn chưa từng đến.
“Theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm cử thuyền đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, 1 bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ Thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.”
- Từ khóa:
- Biển đảo Việt Nam