Chủ tịch Hồ Chí Minh - dấu ấn sự kiện ngày 6/6

- Ngày 6/6/1941: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư "Kính cáo đồng bào" gửi các tầng lớp nhân dân cả nước.
Mở đầu bức thư, Người nêu lên tình cảnh khổ nhục của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành quyền độc lập tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. 
Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”… Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết… Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng…”.
Cuối thư, Người kêu gọi: “… Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!
Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!
Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!
Việt Nam cách mạng thành công muôn năm!
Thế giới cách mạng thành công muôn năm!”.

- Ngày 6/6/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt ba loại huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Độc Lập, do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam.
Huân chương Sao Vàng chỉ có một hạng, "để tặng những người có công đức vĩ đại với dân tộc".
Huân chương Hồ Chí Minh có ba hạng: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, "để tặng những người có tài, đức, có công với dân tộc".
Huân chương Độc lập có ba hạng: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, "để tặng những người có công đặc biệt trong việc cứu quốc hoặc kiến quốc".

- Ngày 6/6/1953: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 116:
Bài "Hạt đỗ trắng và hạt đỗ đen", giới thiệu cách tự tu dưỡng của một cán bộ: Mỗi khi mắc khuyết điểm thì bỏ vào lọ một hạt đỗ đen và khi có ưu điểm thì bỏ vào lọ một hạt đỗ trắng. Cứ 10 hôm đem ra xem ưu, khuyết điểm đến đâu để phát huy ưu điểm sửa chữa khuyết điểm. Người cho rằng, cách tự kiểm thảo ấy rất tốt, biết phân biệt địch, bạn rõ ràng, phải trái rõ ràng, đen trắng rõ ràng, thì lập trường cũng rõ ràng.
Trong bài "Phải chống bệnh quan liêu", Người phê bình các cơ quan báo chí đăng mục góp ý phê bình các cán bộ và cơ quan không đến nơi đến chốn; những nơi bị phê bình thì im lặng không có ý kiến gì. Người nhắc nhở: Báo chí cần nêu những vụ, việc điển hình, phân tích rõ ràng để cho mọi người nhận rõ quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác và khuyến khích quần chúng mở rộng phong trào phê và tự phê bình. Khi nhận được thư phê bình của quần chúng thì phải lựa chọn, kiểm tra và có lãnh đạo. “Mục đích của việc ba chống là nhằm cải tạo tư tưởng, tư tưởng trong sạch, lập trường vững vàng thì tránh được nhiều khuyết điểm”.
Bài báo kết luận: Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí.

- Ngày 6/6/1960: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cần phải đẩy mạnh phong trào cải tiến nông cụ", ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2270, nêu ý nghĩa quan trọng của việc cải tiến nông cụ trong sản xuất nông nghiệp, kêu gọi phải dấy lên thành một phong trào, nhắc nhở các cấp bộ Đảng phải quan tâm chỉ đạo và nêu một số biện pháp nhân rộng phong trào này để tăng năng suất lao động và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp./. 

Nguồn: TTXVN; sách: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, 2008, 2009].