Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến sĩ cảnh vệ
Hà Nội (TTXVN 13/02/2023) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện lực lượng cảnh vệ công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 141/SL thành lập Cục Cảnh vệ từ một số chiến sĩ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng cảnh vệ. Sau này, ngày 16/2 được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh vệ công an nhân dân.
* Luôn chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện lực lượng Cảnh vệ công an nhân dân
Sinh thời, mặc dù bận việc nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian, tình cảm đặc biệt cho các chiến sĩ cảnh vệ và phục vụ ở bên Người. Mỗi lời nói và cử chỉ của Bác là bài học vô giá để mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ lấy làm hành trang trong cuộc sống.
Tháng 2/1962, Bác đến dự hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ và có bài nói chuyện với hội nghị. Bác nêu kinh nghiệm của bản thân thời kỳ hoạt động bí mật và căn dặn muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, giữ được bí mật và có thái độ tốt đối với đồng bào.
“Một là, kỹ thuật bảo vệ phải khéo léo, phải biết tại sao phải bảo vệ? Lúc nào thì bảo vệ?... Người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khoẻ, phải bắn súng giỏi, bơi giỏi, chèo thuyền giỏi để “lúc có việc phải sang sông không phải chờ thuyền”. “Hai là, phải giữ bí mật… Nói về yêu cầu này, Bác phê bình nhẹ nhàng nhưng thấu đáo rằng công tác bảo vệ còn “không khéo” nên “trông thấy các cô, các chú đứng ở ngoài đường hay các chỗ Bác đến thì Bác biết ngay”. Để khắc phục điều này, Bác dạy phải hiểu tâm lý kẻ địch vì địch lừa lúc ta sơ hở, mất cảnh giác và nghiên cứu những hiện tượng không bình thường để đoán biết tình hình mà chống phá ta, muốn giữ bí mật phải tìm cách hòa với hoàn cảnh, phải làm bất thình lình thì kẻ địch mới không kịp chuẩn bị.
Đồng thời Bác dặn phải có thái độ tốt với nhân dân. Bác phê bình hiện tượng các đồng chí cảnh vệ vì bảo vệ Bác, không muốn đồng bào đến gần nên đã xô đẩy đồng bào: “Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác nhưng các chú thì lại không muốn”. Để giải quyết tình huống này, Bác nhắc lại yêu cầu quan trọng là cần thực hành dân chủ: “Mình là dân chủ, Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân”. Bác yêu cầu “phải khéo tổ chức”, “phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào”.
Bác dặn lực lượng cảnh vệ phải bí mật, không báo cho nơi Bác đến biết trước, họ sẽ bày vẽ phô trương và như vậy Bác không thấy thực tế, Người đòi hỏi mọi người phải tế nhị, không được phô trương khiến dân sợ, dân xa lánh. Bởi thế, trong các bức ảnh chụp Người đi thăm các đơn vị, địa phương, ai cũng thấy Người luôn gần gũi nhân dân. Đó chính là phong cách Hồ Chí Minh.
Không chỉ tại hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962, mà trong nhiều dịp khác Bác đều có những chỉ dạy lực lượng cảnh vệ những bài học sâu sắc. Nói chuyện tại hội nghị mừng công của Trung đoàn 600, ngày 21/12/1965, Bác yêu cầu “phải giữ gìn bí mật, đề cao cảnh giác thật tốt”, “phải học tập cho tốt, giữ gìn kỷ luật cho nghiêm, lúc không có địch cũng như lúc có địch, lúc có địch cũng như không có địch”, “phải dũng cảm, bình tĩnh, không lộn xộn, vội vàng khi sự việc xảy ra”.
Có lần cùng Bác đi thực tế, đi bộ, tắt rừng, vượt đồi, đi một lát thì anh em cảnh vệ phát hiện ra lạc đường. Bác biết và nhẹ nhàng bảo anh em: “Thôi được cũng mệt rồi, Bác nghỉ chút. Các chú xem lại thử”. Thái độ bình thản, gần gũi của Bác khiến anh em yên tâm trở lại. Bác cũng dặn không được làm náo loạn với việc chạy mô tô dẹp đường, chỉ cần hóa trang cho thật khéo, thật tự nhiên.
Và chính Bác đã làm rất tốt điều này. Ngày 24/1/1963, đúng 30 tết Quý Mão, Bác tự hóa trang thành một cụ già để đi thăm chợ Tết. Người đội chiếc mũ cát cũ, đeo kính lão, mặc áo bông, bên ngoài khoác áo mưa bằng vải bạt, cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu, chân đi đôi giày vải. Chuyến bảo vệ Bác đi thăm chợ tết đã thành công cũng là nhờ yếu tố bí mật, bất ngờ mà Bác hướng dẫn.
Trong đời sống, sự quan tâm của Bác là tấm lòng của người cha đối với người con, người ông đối với đàn cháu. Người ân cần dạy bảo mọi điều từ cách ăn ở, học hành đến việc rèn luyện trở thành chiến sĩ tốt.
Quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện tư cách đạo đức, thấy trình độ văn hóa của anh em còn thấp, Bác đặt chương trình học tập, giáo viên là người khá dạy người kém. Bác dạy cả cách đọc báo, nghiên cứu tài liệu.
Mỗi lần đi công tác xa về, Bác đều có quà anh em chiến sĩ bảo vệ. Hằng năm cứ đến tháng 10, tháng 11 âm lịch, vườn cam của Bác lại trĩu cành, Tết đến, Bác hái cam chia cho mọi người. Khi có đồng chí cảnh vệ báo cáo xin nghỉ về quê tổ chức lễ cưới, Bác cử thêm người giúp đỡ và đưa hai bao thuốc, dặn tổ chức sao cho vui vẻ nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm.
* Những bài học và những kỷ niệm bên Bác
Từ sự chỉ dạy, quan tâm rèn luyện của Bác trong những năm tháng vinh dự bảo vệ Người, lực lượng cảnh vệ buổi ban đầu thành lập đã có quá trình trưởng thành về mọi mặt. Vào dịp Tết cổ truyền năm 1962, Bác nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an bố trí để Bác đi chợ Đồng Xuân. Lãnh đạo Bộ chỉ thị cho Cục Cảnh vệ phải thực hiện tốt việc này. Cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh vệ được giao nhiệm vụ rất lo lắng về trách nhiệm, anh em khẩn trương đi nắm tình hình khu vực chợ. Vào dịp Tết, người các nơi dồn về chợ Đồng Xuân rất đông, sẽ rất khó bảo vệ nếu để mọi người biết và chen lấn, xô đẩy lại gần Bác. Tuy nhiên lãnh đạo Cục Cảnh vệ quyết tâm thực hiện bằng được chỉ thị của Bộ Công an bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác đi chợ Tết. Nhiều phương án được đặt ra, cuối cùng lựa chọn được một phương án tối ưu. Bác cùng mọi người phải hóa trang để đảm bảo bí mật. Kết thúc buổi đi chợ Tết, Bác cười vui, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ, khen lực lượng cảnh vệ đã có nhiều tiến bộ và cố gắng trong công tác chuyên môn.
Năm 1963, hoạt động biệt kích của Mỹ - ngụy đã lan rộng tới một số vùng ở miền Bắc, tình hình an ninh phức tạp. Bộ Chính trị chỉ thị mọi hoạt động của Bác phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Một lực lượng cảnh vệ bí mật bảo vệ trên đường được thành lập. Hằng ngày, gần bên Bác, các đồng chí được Bác chỉ bảo từng công việc cụ thể sách vở nhà trường chưa hề nói tới hay những tình huống các đồng chí đi trước trao đổi kinh nghiệm không lường hết được: “Các chú không biết cách hóa trang. Từ quần áo các chú mặc đến con mắt đảo liếc là Bác có thể nhận ra ngay”. Đơn vị sau đó đã họp rút kinh nghiệm sửa ngay những non yếu còn mắc phải. Một lần đi gặt lúa với dân ở ngoại thành Hà Nội, Bác nói: “Thứ nhất, Bác phê bình các chú còn lãng phí lực lượng, thứ hai là cách hóa trang của các chú còn lộ liễu lắm. Cơ quan nào đi gặt giúp dân mà lại may quần áo gần như đồng phục thế?... Các chú phải sửa ngay”. Đi công tác địa phương xa, Bác bảo: “Các chú vẫn còn đơn giản trong suy nghĩ về cảnh giác lắm. Hôm nay đi công tác xa, lại phải qua vùng núi hẻo lánh nên phải đề phòng. Hai xe giống nhau quá thì chú phải đổi chỗ Bác ngồi luôn. Biển số xe cũng phải dự phòng, vài ngày hay vài tuần phải đổi biển số khác. Chỗ ngồi trên xe cũng vậy, có thể chú và Bác phải thay đổi chỗ ngồi mỗi lần đi để kẻ địch không phát hiện ra quy luật”. Từ những lời phê bình của Bác, lực lượng cảnh vệ đã tự kiểm điểm, tổ chức họp bàn biện pháp, kế hoạch thực hiện lời Bác dạy. Nhờ đó, công tác bảo vệ từng bước tiến bộ, được Bác nhiều lần khen ngợi.
Đối với những chiến sĩ cảnh vệ, từng bài học Người giảng giải về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng… càng nghe càng thấy “lớn lên cả về trí tuệ và nghiệp vụ”.
Và chính những lời Bác dạy, những tình cảm Bác dành cho các chiến sĩ cảnh vệ là hành trang các chiến sĩ cảnh vệ mang theo suốt những năm tháng hoạt động cách mạng và cả sau này khi đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương, thì những hình ảnh Bác, cách Bác xử lý công việc lúc thuận lợi hay khi tình hình phức tạp, khó khăn, căng thẳng, phong thái của Bác vẫn luôn điềm tĩnh, kiên quyết, lạc quan, tự tin. Giống như người cầm lái, dù tối trời, biển lặng hay lúc sóng to, gió lớn vẫn vững tay chèo, vẫn luôn hiện hữu trong họ.
Phát huy vai trò trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, lực lượng Cảnh vệ luôn nỗ lực hết sức hoàn thành mục tiêu bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các cơ quan trọng yếu và các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới của đất nước và bảo vệ nhân dân.
Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sỹ, lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện. Những chiến công, thành tích to lớn, sự trung thành, tận tụy và tấm gương chiến đấu, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh vệ đã góp phần tô thắm truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần). Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng trăm huân, huy chương các loại./.
Phương Anh