Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho thăm Việt Nam: Mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới

    Nhân vật liên quan

    • Vương Đình Huệ

Hà Nội (TTXVN 23/3/2024) Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến 26/3/2024. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Phần Lan phát triển tốt đẹp. Hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ vào năm ngoái với nhiều hoạt động ý nghĩa (25/1/1973-25/1/2023).

Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho. Ảnh: TTXVN

Quan hệ chính trị-ngoại giao luôn được tăng cường

Việt Nam và Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/1/1973. Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội được thành lập năm 1974 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Helsinki vào cuối năm 2005.

Phần Lan đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan luôn được duy trì và phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị-ngoại giao, thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo.

Hai bên tích cực duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương ở các cấp. Về phía Việt Nam, có chuyến thăm Phần Lan của: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 6/1995); Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 9/1999); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2006); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 5/2010); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb bên lề Hội nghị ASEM 10 tại Milan (tháng 10/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Phần Lan Juha Sipilä bên lề Hội nghị ASEM 11 tại Mông Cổ (tháng 7/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Maria Lohela bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 tại UAE (tháng 12/2016); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila bên lề Hội nghị ASEM 12 tại Brussels (Bỉ) (tháng 10/2018); Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm (tháng 9/2019); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức (tháng 9/2021); Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thăm và làm việc (tháng 11/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24) và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 (IPMF-3) tại Brussels (Bỉ) (tháng 2/2024)…

Về phía Phần Lan, có chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Tarja Halonen (tháng 2/2008); Thủ tướng Matti Vanhanen (tháng 11/2009) và dự Hội nghị ASEM 5 (tháng 10/2004); Chủ tịch Quốc hội Sauli Niinistö (tháng 1/2010); Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm nghiệp Phần Lan Antti Kurvinen (tháng 10/2022)…

Đại sứ đặc mệnh toàn Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvato trồng cây tại khuôn viên Bảo tàng Cúc Phương (Vườn quốc gia Cúc Phương). Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Hai bên cũng hợp tác hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Đối với Phần Lan, Việt Nam là một cửa ngõ để phát triển quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Hai bên chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế. Phần Lan ủng hộ chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần vì hòa bình và ổn định, hỗ trợ thương mại tự do trong khu vực.


Kinh tế-thương mại luôn được ưu tiên thúc đẩy

Kinh tế, thương mại, đầu tư là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 337,4 triệu USD; năm 2021 đạt 511,6 triệu USD; năm 2022 đạt 431,7 triệu USD; năm 2023 đạt 375,7 triệu USD; 2 tháng đầu năm 2024 đạt 62 triệu USD.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 2/2024, Phần Lan có 36 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 47,86 triệu USD, đứng thứ 57/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Đặc biệt, Phần Lan là nước có nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Đất nước này chọn cho mình con đường phát triển xanh, lấy con người làm trung tâm và chú trọng công tác bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Việt Nam lại có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, nền kinh tế rất năng động. Tháng 10/2022, Việt Nam và Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương về nông nghiệp, phát huy thế mạnh về nông, lâm, thủy sản của cả hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Đặng Thị Hải Tâm, Phần Lan còn là đất nước có chỉ số sáng tạo đứng hàng đầu châu Âu với các công nghệ mới, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có khả năng chế tác chế tạo, có mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) phủ rộng khắp toàn cầu, có mối quan hệ đối ngoại hoà bình với tất cả các nước trên thế giới. Những yếu tố này sẽ giúp hàng hoá sản xuất ở Việt Nam bằng công nghệ Phần Lan có thể đến khắp nơi trên thế giới. Vì vậy thời gian tới hai nước cần khai thác triệt để tính bổ sung của hai nền kinh tế cho giai đoạn mới trong phát triển kinh tế.

Về viện trợ, trong 5 thập kỷ qua, Phần Lan luôn coi Việt Nam là một trong các đối tác ưu tiên trong việc phân bổ nguồn hỗ trợ phát triển không hoàn lại không điều kiện với tổng giá trị hơn nửa tỷ euro. Sự giúp đỡ của Phần Lan với Việt Nam đi vào các lĩnh vực hết sức thiết thực như xây dựng hệ thống nước sạch, xoá đói giảm nghèo, khai thác và bảo tồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo….Với những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam về kinh tế và xã hội, Phần Lan vui mừng đánh giá các khoản hỗ trợ phát triển của bạn dành cho Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả. Khi Việt Nam đạt tới ngưỡng phát triển của nước có thu nhập trung bình thấp, quan hệ hai nước đi vào giai đoạn chuyển đổi, chuyển dần từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác kinh doanh cùng có lợi.

Hai bên đã ký Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các dự án được tài trợ trong Chương trình đầu tư công của Phần Lan (ngày 21/1/2021), tạo khuôn khổ cho việc triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do Chính phủ Phần Lan tài trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.

Hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng có bước phát triển tốt đẹp, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam sang học tại Phần Lan. Đồng thời, mô hình giáo dục của Phần Lan đang được áp dụng tại Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan thuộc Đại học Tôn Đức Thắng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 2.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại Phần Lan.

Bên cạnh đó, khoảng 13.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan cũng là cầu nối quan trọng, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước. Hội người Việt tại Phần Lan được thành lập vào tháng 6/2007, có nhiều hoạt động thiết thực như sinh hoạt văn hóa, dạy tiếng Việt, hỗ trợ tư vấn pháp lý, làm từ thiện, hướng về nguồn… Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Phần Lan được thành lập ngày 1/11/2008 bao gồm các sinh viên du học, thanh niên, sinh viên Việt kiều tại Phần Lan, đã đóng góp cho sự phát triển năng động của cộng đồng người Việt và góp phần không nhỏ trong việc kết nối giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.

Với tình hữu nghị truyền thống trong 5 thập kỷ qua, cũng như tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan sẽ là cơ sở, nền tảng đưa quan hệ Việt Nam-Phần Lan tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong tương lai./.

Trọng Đức (tổng hợp)