Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa II, III, IV; Trưởng ban Thường trực Quốc hội (9/1955 - 7/1960); Chủ tịch nước (9/1969 - 3/1980)Tôn Đức Thắng

Hà Nội (TTXVN 17/08/2018) Sinh thời, với hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng đ/c Tôn Đức Thắng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (07/1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo mẫu mực

Đồng chí Tôn Ðức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây cũng chính là quê hương của những nghĩa quân anh dũng đã đứng lên chống thực dân Pháp, tiêu biểu như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Tuấn Kiều... Truyền thống quê hương và thời cuộc đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng nhiều đến chí hướng, tình cảm và nhân cách cậu học trò giàu lòng nhân ái Tôn Đức Thắng. Tư chất thông minh, đầy khát vọng, tính tự lập cao và tư duy nhạy bén, những điều đó đã dẫn dắt người thanh niên Nam Bộ Tôn Đức Thắng sớm đến với phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ những ngày đầu và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Đồng chí Tôn Đức Thắng thuộc lớp công nhân đầu tiên ở nước ta và cũng là lớp các đồng chí công nhân đầu tiên giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Bằng những hoạt động phong phú của mình ở trong nước và phong trào công nhân quốc tế, đồng chí đã có những cống hiến to lớn với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Năm 1920, đồng chí cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh đấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Năm 1925, với việc lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, đồng chí đã góp phần mở ra quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát lên tự giác. Năm 1927, gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng với trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đồng chí đã vượt qua 17 năm đày ải khốc liệt trong địa ngục trần gian của nhà tù thực dân với tinh thần bất khuất, tỏ rõ khí phách và phẩm chất kiên trung của người cộng sản. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã biến ngục tù thành nơi luyện ý chí đấu tranh, thành trường học cộng sản. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ. Cũng chính hình ảnh hiên ngang, bất khuất của người tù khổ sai trong Hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo khi đó đã mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù. Đồng chí Lê Duẩn cùng ở Côn Đảo với đồng chí Tôn Đức Thắng đã nhận xét: Trong tù đầy vô cùng khắc nghiệt, vậy mà Bác Tôn luôn luôn lạc quan, giữ lòng tin tưởng, sống với anh em chân tình, ấm áp. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Những ngày tháng bị tù đày trong ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lĩnh hội và thể hiện đầy đủ tinh thần nhân văn cao cả đó là: sống chí tình, chí nghĩa, nhân ái, thủy chung với đồng chí, bạn bè và những người cùng cảnh ngộ.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, được trở về đất liền, đồng chí được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Đồng chí là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt-Xô.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng chí đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa ngọn cờ độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích thống nhất của Tổ quốc và trở thành Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, luôn luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.

 * Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc

Chủ tịch Tôn Đức Thắng hỏi thăm cụ Nguyễn Thị Hun (Hợp tác xã Việt Trung, ngoại thành Hà Nội), 77 tuổi, có 1 con và 1 cháu đang tham gia kháng chiến chống Mỹ, ngày 1/1/1970. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 30 năm liên tục trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ đầu năm 1946, thực hiện chủ trương mở rộng Mặt trận đoàn kết toàn dân vào các thành phần yêu nước chưa tham gia Mặt trận Việt Minh, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giao nhiệm vụ tổ chức Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam với trọng trách là Phó Hội trưởng. Hội Liên Việt ra đời đã mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc, góp phần tạo ra hậu thuẫn chính trị to lớn, bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Tám. 

Là người được tin tưởng gánh vác trách nhiệm Hội trưởng Hội Liên Việt sau khi Cụ Hội trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời (1947), từ năm 1948, thực hiện chủ trương xây dựng một Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta nhằm đáp ứng yêu cầu toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Tôn Đức Thắng bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thống nhất Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh. 

Tháng 3/1951, Mặt trận Liên Việt ra đời trên cơ sở thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, đồng chí được tín nhiệm làm chủ tịch mặt trận Liên Việt. Đây là bước phát triển mới của khối đại đoàn kết dân tộc và là cơ sở chính trị để Đảng ta đưa cuộc kháng chiến trường kỳ sang giai đoạn mới, kết thúc cuộc chiến tranh ái quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta ở Điện Biên Phủ năm 1954 là kết quả của sự thống nhất và lớn mạnh không ngừng của các lực lượng cách mạng nước ta, của khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Liên Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà người trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng và phát triển là đồng chí Tôn Đức Thắng.

Tháng 9/1955, Mặt trận Liên Việt được tổ chức thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục được tín nhiệm giữ trọng trách này qua các Đại hội lần thứ II (1961), lần thứ III (1971) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có đóng góp quan trọng trong việc thành lập một Mặt trận đoàn kết dân tộc ở miền Nam với Cương lĩnh thích hợp trên cơ sở Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với Cương lĩnh đúng đắn đã tạo ra sức mạnh chính trị mới thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm các cháu Nhà trẻ 20/10 (Hà Nội), ngày 26/09/1977, nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh: Kim Hùng - TTXVN

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng một Mặt trận đoàn kết dân tộc cho cả nước là nguyện vọng tha thiết của toàn dân và đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Tháng 2/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã thống nhất các tổ chức mặt trận ở nước ra thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với uy tín và những cống hiến xuất sắc trong quá trình xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, mặc dù tuổi cao, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn được tôn vinh là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho tới khi qua đời (1980).

Hơn 30 năm tận tâm, tận lực giương cao ngọn cờ đại đoàn kết Hồ Chí Minh để lãnh đạo tổ chức xây dựng, củng cố, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc và lãnh đạo Nhà nước ta, phát huy cao nhất nội lực của đất nước, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa Tổ quốc Việt Nam thống nhất tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là một nhà chính trị kiên định, một nhà tổ chức tài năng mà còn có những đóng góp quí giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn khẳng định vai trò quyết định của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xử lý và giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc- giai cấp, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định: Vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Theo đồng chí, phương pháp duy nhất giúp ta thành tựu ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình…

Năm 1958, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của đồng chí Tôn Đức Thắng (ngày 20/8), Quốc hội quyết định tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. Tại lễ trao tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy.

Có thể nói, cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng là một tấm gương về lòng nhiệt thành yêu nước; trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân; bất khuất trước kẻ thù; đức khiêm tốn, giản dị trong lối sống; hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào… Vì thế, “chúng ta nhớ mãi Bác Tôn, đặc biệt là đạo đức của Bác - Một người công nhân ưu tú, một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước vĩ đại, người bạn chí thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu” - đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết. Cùng với thời gian, “di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”./.

                                                Lan Linh (tổng hợp)