Chủ tịch Trung Quốc thăm châu Âu: Củng cố mối quan hệ cùng có lợi

Hà Nội (TTXVN 11/5/2024) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm 3 nước châu Âu gồm Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5 đến 10/5/2024. Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 5 năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới châu Âu, diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến địa chính trị phức tạp, chuyến thăm lần này được xem là để củng cố mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và châu Âu.

 

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (thứ 2, phải) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) tại sân bay Orly, thủ đô Paris, ngày 5/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Thúc đẩy hợp tác chiến lược với Pháp

Pháp là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 3 nước châu Âu. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm ở Paris, Pháp, ngày 6/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

 

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều biến động chưa từng có trong một thế kỷ qua, Trung Quốc và Pháp nên cùng nhau ngăn chặn “cuộc Chiến tranh lạnh mới” hoặc ngăn chặn sự đối đầu giữa các khối.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định hai bên cần duy trì định hướng trong quan hệ song phương, đồng thời làm phong phú thêm với những đặc điểm mới trong thời đại mới. Trên tinh thần đó, hai bên cần cùng nhau thúc đẩy chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi, hướng tới một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chiến lược, tăng tăng cường đối thoại với Pháp trong các lĩnh vực như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) và cải cách hệ thống tài chính quốc tế, gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao từ Pháp. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đề nghị Paris duy trì một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc, tăng cường đối thoại về chiến lược phát triển, hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân...

Trong khi đó, Tổng thống Macron hoan nghênh Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã ủng hộ ý tưởng về tạm dừng các cuộc xung đột trong thời gian diễn ra Olympic Paris. Nhà lãnh đạo Pháp tin rằng các thỏa thuận như vậy có thể giúp đạt được hòa bình lâu dài trong các cuộc xung đột. Tổng thống Macron cũng đã cám ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì phía Trung Quốc không áp đặt thuế quan tạm thời đối với rượu cognac của Pháp, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 3, phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4, trái) tại cuộc hội đàm ở Paris, Pháp, ngày 6/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vấn đề khủng hoảng Trung Đông, ông Tập Cận Bình nhận định Trung Quốc và Pháp có nhiều điểm chung trong vấn đề Palestine-Israel. Vì vậy, điều quan trọng là hai bên phải tăng cường hợp tác và giúp khôi phục hòa bình ở khu vực này.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại châu Âu, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Pháp và toàn thể cộng đồng quốc tế để tìm ra lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng này.

* Tháo gỡ vướng mắc với EU

(Từ trái sang): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc gặp ba bên tại Paris, Pháp ngày 6/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, trong chuyến thăm Pháp lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn dự cuộc gặp quan trọng khác với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Điện Elysee (ngày 6/5). Tại cuộc gặp ba bên này, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc luôn tiếp cận mối quan hệ với EU từ góc độ chiến lược và lâu dài. Ông hy vọng rằng các mối quan hệ Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc-EU sẽ củng cố lẫn nhau và cùng nhau phát triển.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC von der Leyen kêu gọi Trung Quốc đảm bảo thương mại cân bằng hơn. Tổng thống Pháp Macron cho rằng EU và Trung Quốc đang ở giao lộ lịch sử, đòi hỏi giải quyết các khó khăn về cơ cấu, trong đó có việc đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp hai bên. Chủ tịch EC thì cho rằng Trung Quốc và EU cùng ủng hộ hòa bình và an ninh nhưng mối quan hệ song phương đang đứng trước thách thức liên quan các vấn đề tiếp cận thị trường và thương mại.

Thực tế thời gian qua, căng thẳng thương mại đã gia tăng giữa Trung Quốc và EU, với việc EU điều tra một số ngành công nghiệp của Trung Quốc trong đó xe điện xuất khẩu còn Bắc Kinh đang điều tra hầu hết mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu do Pháp sản xuất.

* Tăng cường hợp tác với Serbia và Hungary

Tiếp sau chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình Hungary và Serbia, hai quốc gia được đánh giá là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong thúc đẩy sáng kiến Vành đai-Con đường, thúc đẩy hợp tác khu vực Trung và Đông Âu.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm ở Belgrade, Serbia, ngày 8/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là chuyến thăm Serbia thứ hai của ông Tập Cận Bình sau 8 năm, có ý nghĩa cột mốc quan trọng trong. Trong chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã ký thỏa thuận chung về việc nâng cao quan hệ đối tác chiến lược song phương và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Serbia trong kỷ nguyên mới, đánh dấu Serbia là nước phương Tây đầu tiên tham gia mô hình này.

Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Serbia nêu rõ hai nước đã quyết định làm sâu sắc và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Serbia là nước đầu tiên tại khu vực Trung và Đông Âu trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc cách đây 8 năm.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Belgrade, Serbia, ngày 8/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Serbia cũng đã trao đổi hơn 20 văn kiện về hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thúc đẩy hợp tác pháp lý, quy định quản lý và kinh tế, cùng với việc Serbia sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc trong nhiều năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc hội đàm ở Budapest ngày 9/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Còn với Hungary, dù chỉ là quốc gia có diện tích nhỏ, song Hungary đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến sản xuất pin và xe điện. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và quốc gia này "đang đạt đến tầm cao chưa từng có”. Chuyến thăm Hungary lần này của ông Tập Cận Bình còn mang ý nghĩa quan trọng khi năm 2024 hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Hungary Tamas Sulyok, Thủ tướng Viktor Orban, trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương và quan hệ Trung Quốc-EU, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Budapest ngày 9/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh của thời đại mới. Hai bên cũng đã kí 18 thỏa thuận và bản ghi nhớ mới nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế và văn hóa.

* Xây dựng lòng tin

Đánh giá chung về chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nhà phân tích cho rằng ba quốc gia Pháp, Serbia và Hungary đều là những nước có quan hệ ổn định với Trung Quốc. Pháp là nước lớn đầu tiên của phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm nay hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Serbia là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu, trong khi Hungary là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu.

Thực tế trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hiện nay Pháp đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU) và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc-EU. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Pháp trên thế giới, sau Đức, Bỉ và Italy. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Pháp đã tăng mạnh, gấp 800 lần, đạt 78,9 tỷ USD.

Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Pháp đối với Trung Quốc đạt 21,64 tỷ USD, chỉ đứng sau Đức và Hà Lan trong số các quốc gia thành viên EU. Hiện nay, đầu tư của Pháp vào Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như xe điện, mỹ phẩm, nông sản, năng lượng hydro, hàng không vũ trụ... Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Pháp là 4,84 tỷ USD; các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm chế tạo, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, ngân hàng, khách sạn, du lịch...

Trong khi đó, với Serbia, trong những năm gần đây, dòng đầu tư của Trung Quốc vào Serbia đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp. Hiện Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư chính và lớn nhất của Serbia. Các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, khai thác mỏ và sản xuất kim loại của Serbia, cũng như các dự án năng lượng tái tạo. Trước chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc đã mô tả mối quan hệ này vững chắc như được “bọc sắt”. 

Còn Hungary hiện là điểm đến chính ở châu Âu cho đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện. Một số nhà sản xuất pin thuộc sở hữu của Trung Quốc đang thiết lập hoạt động tại đây, bao gồm Contemporary Amperex Technology (CATL) - công ty có siêu nhà máy trị giá 7,3 tỷ euro (7,8 tỷ USD) được coi là lớn nhất ở châu Âu.

Do đó, theo các nhà phân tích, chuyến thăm ba nước châu Âu gồm Pháp, Serbia, Hungary lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cơ hội để thúc đẩy quan hệ song phương với từng nước nói riêng lên một tầm cao mới và tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc-EU nói chung.

(Từ trái sang): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc gặp ba bên tại Paris, Pháp ngày 6/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng, quan hệ Trung Quốc-EU không chỉ liên quan đến sự phát triển trong tương lai của cả hai bên mà còn có tác động quan trọng đến quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Bởi vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới châu Âu lần này có ý nghĩa như một đòn bẩy thúc đẩy sự ổn định trong một thế giới nhiều thay đổi./.

Trọng Đức (tổng hợp)