Công tác dân vận của Đảng: Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Hà Nội (TTXVN 15/10/2020) Năm 1999, Bộ Chính trị khóa VIII đã lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày Dân vận của cả nước. Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
* Hướng về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, đi theo Đảng. Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, lập ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh tính đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời cũng là thắng lợi công tác dân vận của Đảng. Chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, Đảng đã tin tưởng, gắn bó với dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội; hướng dẫn quần chúng khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa quan trọng, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), với sức mạnh của công tác dân vận, Đảng ta đã vận động toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu, lao động, sản xuất; đồng thời, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền; động viên thanh niên xung phong ra chiến trường, dân công đi tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, tạo nên sức mạnh to lớn, đánh bại âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc; đồng thời góp phần động viên sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau 30 năm chiến tranh, cả nước bước vào thời kỳ mới cùng thực hiện một chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng đã vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng và kéo dài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân”.
Thực hiện các Nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận. Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tình hình, làm rõ các thách thức đối với công tác dân vận trong Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định và làm sâu sắc thêm 5 quan điểm, 7 nhiệm vụ nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Ngày 11/10/2020, phát biểu tại buổi gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, trong suốt những năm qua, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân… Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng hình ảnh gương mẫu trước nhân dân mà quan trọng hơn đó là sự thực tâm, thực lòng chăm lo cuộc sống nhân dân, trên cơ sở đó tạo đồng thuận trong nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận 90 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất...
* Động viên các tầng lớp nhân dân chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, tác động đến quá trình phát triển đất nước và cuộc sống của nhân dân, đòi hỏi công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận, tại buổi gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc, đồng chí Trần Quốc Vượng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng, cần tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò của công tác dân vận, về mối quan hệ gắn bó, máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Theo đó, cần không ngừng đổi mới hoạt động công tác dân vận theo hướng thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục khẳng định, giữ vững quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí khẳng định: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng thời phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả; tuân thủ cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và bám phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều tấm gương “Dân vận khéo” được quần chúng tin yêu, qua đó phát huy sức mạnh trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng và và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí cũng lưu ý, muốn vận động được dân, được dân tin yêu, giúp đỡ, trước hết, người làm công tác dân vận phải tìm mọi cách tuyên truyền, giải thích, thuyết phục để nhân dân hiểu, tin tưởng, tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo./.
Minh Duyên (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Công tác dân vận của Đảng
- Dân vận