CPTPP và cơ hội cho Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 29/10/2018) Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên ký hồi tháng 3/2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Theo Bộ Công Thương, CPTPP sẽ tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

* FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút sự tham gia của Mỹ khỏi TPP.

 Trước động thái này của Mỹ, 11 thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngày 23/1/2018, 11 quốc gia thành viên đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của CPTPP. Ngày 21/2/2018, toàn văn CPTPP được công bố. Rạng sáng 9/3/2018 (theo giờ Việt Nam), Lễ ký kết CPTPP đã diễn ra tại Thủ đô Santiago của Chile.

 CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… CPTPP mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như: lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước... Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Với cam kết mở cửa thị trường, CPTPP được xem là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do lớn nhất thế giới với một thị trường gần 500 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 10.000 tỷ, chiếm 13,5 % GDP thế giới.

 * Mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam

Mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời điểm đó.

Theo Bộ Công Thương, CPTPP sẽ tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Về chính trị-đối ngoại, CPTPP đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

  Về kinh tế, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

  Bên cạnh đó, CPTPP cũng tạo ra áp lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, minh bạch… Ngoài ra, CPTTP là hiệp định có tính mở, khi có nước khác tham gia thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

 Để tận dụng những lợi ích mang lại từ CPTPP, theo Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại; có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhằm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.

Riêng đối với các doanh nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, cần nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển; xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.

 

 Minh Duyên