Cụ Nguyễn Văn Tố: Nhà trí thức yêu nước

Hà Nội (TTXVN 1/6/2019) Cụ Nguyễn Văn Tố thuộc lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước lấy con đường hoạt động văn hóa, nâng cao dân trí làm sự nghiệp của mình và nỗ lực hết mình cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí của đất nước.

Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là nhà trí thức Nho học và Tây học danh tiếng, Nguyễn Văn Tố được xếp trong nhóm tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Việc tham gia tích cực và vai trò nổi bật của cụ Nguyễn Văn Tố trong Hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ quốc ngữ và những nghiên cứu liên ngành, chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí của nước nhà.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam" chụp ảnh chung, ngày 1/6/2019. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

* Sự nghiệp khai dân trí, chấn dân khí của đất nước

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm 16 tuổi (1905), Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi (1906), Nguyễn Văn Tố được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Từ tháng 3/1907, Nguyễn Văn Tố tham gia giảng sách tại Hội Trí Tri bằng tiếng Pháp, tiếng Việt về các đề tài lịch sử, địa lý, văn học, y khoa, khoa học thủy nông. Vào những năm 1910, Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều sáng tạo kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây; tham gia giảng dạy tại Hội Trí Tri và được cử là Trưởng ban biên tập Tập san Trí Tri.

Năm 1938, nhận thấy cần phải tiếp tục công cuộc truyền bá quốc ngữ, các trí thức tân học tiêu biểu như Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... đã mời Nguyễn Văn Tố - Hội trưởng Hội Trí Tri làm Hội trưởng Hội truyền bá học chữ quốc ngữ Bắc Kỳ, với mục tiêu dạy cho người bình dân lao động mù chữ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Sự ra đời và hoạt động của Hội luôn bị thực dân Pháp kiểm soát, ngăn cản và mặc dù Hội trưởng Nguyễn Văn Tố đã nhiều lần bị Sở Mật thám triệu tập làm khó, nhưng với lý lẽ đúng mực của ông, người Pháp đã không thể có cớ để ngăn cản hoạt động của Hội. Mặt khác, khi chính quyền thực dân ngỏ ý muốn trợ cấp, âm mưu lôi kéo Hội, cụ đã bình tĩnh để vô hiệu hóa âm mưu đó; đồng thời, cũng uốn nắn kịp thời những hành vi quá khích của một số thanh niên hăng hái thành quá tả, dễ bị kích động để duy trì và bảo vệ được tổ chức Hội. Có thể nói, những tình huống xử lý trong quá trình lãnh đạo của người Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ đã không chỉ thể hiện sự tài tình và khéo léo của người trí thức Hà Thành mà quan trọng hơn là giúp Hội đứng vững và phát triển ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi của Hội truyền bá quốc ngữ trong cả nước. Nói như luật sư Vũ Đình Hòe, thì “cụ khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, Ta, sách lược khi cương khi nhu, có lùi có tiến, nhờ vậy, Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ”.

Quá trình phổ biến chữ quốc ngữ của Hội thực sự trở thành một phong trào sâu rộng và mạnh mẽ, để lại những tác động, ảnh hưởng to lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Lào và Campuchia. Với bản lĩnh và sự nỗ lực của Hội trưởng Nguyễn Văn Tố cùng các cộng sự đầy trách nhiệm, vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại từ chính quyền thực dân Pháp, Hội truyền bá quốc ngữ đã phát triển và thành lập được 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học, có 2.903 giáo viên đã dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết và ở khu vực Trung Kỳ thành lập 11 chi nhánh; đồng thời thu hút nhiều nhà trí thức tên tuổi tham gia như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn…

Không chỉ giúp đỡ nhân dân lao động nghèo thoát khỏi mù chữ, Hội truyền bá quốc ngữ còn đóng góp to lớn vào việc bãi bỏ những hủ tục lạc hậu; đồng thời, để lại cơ sở, phương pháp và con người cho phong trào Bình dân học vụ. Bên cạnh đó, với tư cách là một tổ chức hoạt động hợp pháp, nhiều hội viên, giáo viên của Hội đã tham gia vào phong trào cách mạng, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và đóng góp vào sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn chữ quốc ngữ làm chữ viết chính thức cho dân tộc. Từ đây, chữ quốc ngữ giữ địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam với vai trò gìn giữ, xây dựng và quảng bá nền văn hoá, văn minh Việt Nam trong thời kỳ mới.

* Để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị

Với vốn kiến thức phong phú về Hán Nôm, về lịch sử, văn hóa Việt Nam và phương Đông, cụ Nguyễn Văn Tố để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian, kiến trúc nổi bật.

Các tác phẩm: Sự tích Ôn Như hầu, Hoa tiên, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Ðức, Thơ Hồng Ðức bổ chính, Thơ vịnh sử đời Hồng Ðức, Hạnh thục ca... được cụ Nguyễn Văn Tố nghiên cứu và viết lại bằng tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Việt đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân.

Và trên các tạp chí, cụ Nguyễn Văn Tố có tới hàng trăm mục bài mang tính chuyên sâu trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, như: “Thời tiền sử ở Bắc Kỳ” (1933), “Những bài thơ chưa in đời Lê” (1934), “Nguồn gốc các mái cong” (1934), Ngôi chùa An Nam (1941), “Tôn giáo nước Nam” (1943), “Vết tích thành Đại La” (1943), “Lịch sử Hồ Tây” (1944), “Gốc tích thành Huế’ (1944), “Đồ thờ của ta” (1944), “Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa” (1945), “Phép quân điền của nước ta” (1945)… Đặc biệt, cụ đã soạn thảo hai bộ sử học đồ sộ là "Đại Nam dật sử" và "Sử ta so với sử Tàu" để làm sâu sắc thêm lịch sử nước nhà và góp phần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Cụ cũng đi sâu khảo sát đặc điểm các vùng văn hóa như: “Văn hóa phương Đông” (1932), “Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam” (1933), “Văn hóa Đông Dương” (1943), “Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây” (1944), các tác phẩm của Lê Thánh Tông (1442-1497), Trịnh Căn (1633-1709), Lê Quý Đôn (1726-1784), Nguyễn Khuyến (1835-1909)… và dịch thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn minh, văn hóa Tây Á - Cận Đông, Angkor, Hy Lạp, Trung Hoa... Đây là những công trình giữ vai trò tiên phong trong sưu tập, dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu, thư tịch, văn bản Hán Nôm, góp phần chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sự ra đời các bộ văn học sử và công trình nghiên cứu chuyên sâu. Những công trình nghiên cứu liên ngành và bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của cụ Nguyễn Văn Tố đã gây được tiếng vang lớn, không chỉ khẳng định tầm uyên bác của một tri thức danh tiếng, tinh thần nghiêm túc của một nhà sử học mà còn thể hiện rõ tấm lòng của một nhân sĩ yêu nước./.   

                                                                                    Phương Phương tổng hợp