Đặc điểm và dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX
Quốc hội khóa IX được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992. Quốc hội khóa IX đã tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về lập pháp, về giám sát và về quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
Quốc hội khóa IX tiếp tục thể chế hoá cương lĩnh và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của Ðảng được đề ra từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI và được Ðại hội Ðảng lần thứ VII khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện. Quốc hội đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, qua 11 kỳ họp, Quốc hội đã đẩy mạnh hoạt động lập pháp, thông qua 36 luật và bộ luật, 43 pháp lệnh, điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, tổ chức chính quyền các cấp…
Việc quy định công dân có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội và quy định cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992 đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong cơ chế bầu cử, tạo cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm phát huy quyền dân chủ của công dân, tạo điều kiện cho những người có đủ tiêu chuẩn thực hiện quyền tự ứng cử, cử tri lựa chọn, bầu vào Quốc hội, để họ có điều kiện đóng góp trí tuệ và khả năng của mình với Quốc hội, với đất nước.
• Nhiều đạo luật tạo cơ sở pháp lý hình thành môi trường ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế được Quốc hội khóa IX ban hành, như: Luật Ðất đai, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản doanh nghiệp…
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều pháp lệnh, trong đó đáng chú ý là Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng”.