Đặc điểm và dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh.

Đặc biệt, trong năm cuối nhiệm kỳ, mặc dù đại dịch COVID-19 và thiên tai liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước, nhưng do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nước ta vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều dấu ấn nổi bật, cơ bản kiểm soát được đại dịch, từng bước phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân, uy tín, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nghiên cứu, thận trọng, nhưng quyết đoán kịp thời; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại.

- Hoạt động lập pháp: ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết

Quốc hội khóa XIV tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của đất nước.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng...). Thông qua hoạt động lập pháp, đã khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Để tiếp tục thực hiện đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Hoạt động giám sát: tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực

Trong nhiệm kỳ này, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới.

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề. Quốc hội đã tiến hành giám sát 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát. Thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện như trước đây, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập các đoàn giám sát, phân công Lãnh đạo Quốc hội làm Trưởng Đoàn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn; thành viên đoàn giám sát được tăng cường về số lượng, là những người có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực giám sát.

Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới. Cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

- Quyết định nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ

Trong 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế-xã hội “nóng”, nổi bật, mới phát sinh. Các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Quốc hội cũng đã tiến hành bãi nhiệm tư cách một đại biểu Quốc hội do có sai phạm nghiêm trọng, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; xóa tư cách 2 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016...

- Hoạt động đối ngoại của Quốc hội: tổ chức thành công APPF-26, Năm Chủ tịch AIPA 2020 và AIPA 41

 

Quốc hội khóa XIV đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41); trong đó, Đại hội đồng AIPA-41 là Đại hội đồng đầu tiên trong lịch sử AIPA được tổ chức theo hình thức trực tuyến và thành công tốt đẹp, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của nước chủ nhà và sự thích ứng cao của các nước tham gia, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế.

Quốc hội đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước trong khu vực và thế giới. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thiết lập được quan hệ nghị viện với gần 180 quốc gia có chủ quyền và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Hoạt động đối ngoại song phương đã tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Quốc hội các nước láng giềng, truyền thống, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, châu Á-Thái Bình Dương, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu, nghị viện các nước thuộc Liên minh châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu…

Công tác đối ngoại đa phương đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn đa phương lớn như IPU, APPF, APF, AIPA … Quốc hội Việt Nam đã được nghị viện các nước tín nhiệm bầu với số phiếu cao giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành IPU (nhiệm kỳ 2016-2019), Phó Chủ tịch IPU (nhiệm kỳ 2018-2019) và giữ vai trò Chủ tịch APF Vùng châu Á - Thái Bình Dương theo cơ chế luân phiên (nhiệm kỳ 2019-2021)