Đại hội Đảng II: Kháng chiến, kiến quốc

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh
    • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh

Đại hội lần thứ II của Đảng quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

 

Thời gian: 11/2 đến 19/2/1951

Địa điểm: Xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết

Số lượng đảng viên trong nước: hơn 76 vạn

Đại hội bầu:

- Chủ tịch Đảng: Đồng chí Hồ Chí Minh

- Tổng Bí thư: Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư

- Ban Chấp hành Trung ương: 19 Ủy viên chính thức và 10 Ủy viên dự khuyết

- Bộ Chính trị: 7 Ủy viên chính thức và 1 Ủy viên dự khuyết (bầu tại Hội nghị lần thứ nhất)

 

BỐI CẢNH CHUNG

Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt.

Phong trào giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển.

Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.

Thế giới hình thành “trật tự hai cực”, trong đó Mỹ và Liên Xô phân chia phạm vi ảnh hưởng rộng lớn nhất.

Mỹ và các nước phương Tây phát động “Chiến tranh lạnh” nhằm chống lại phe XHCN. Thế giới diễn ra cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc, nhất là giữa Liên Xô và Mỹ.

Ở Đông Dương, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp và quân đội bù nhìn, can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược, sẵn sàng thay chân thực dân Pháp.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta có sự phát triển toàn diện, nhận được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ tích cực của phe XHCN. Đặc biệt từ sau chiến thắng Biên giới 1950, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phản công và tiến công.

 

KHÁNG CHIẾN, KIẾN QUỐC

Căn cứ vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ tổ chức kháng chiến của ba dân tộc Đông Dương, Đại hội quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một đảng riêng biệt có cương lĩnh phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Ở Việt Nam, Đại hội quyết định thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân.

Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng trong hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng, vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là:

+ Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

+ Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội tổng kết quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng.

Ban Chấp hành Trung ương của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 Ủy viên chính thức: đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một Ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng.