ĐẢNG LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh
    • Tổng Bí thư của Đảng (5/1941 - 10/1956) và (7/1986 - 12/1986); Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9/1960 - 7/1981); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981- 6/1987) )Trường Chinh

Với dã tâm xâm lược nước ta lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước, khiêu khích và tấn công ta về quân sự, lần lượt đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 18/12, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi giành quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến. 20 giờ ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Trước đó, ngày 12/12/1946, Trung ương Đảng ra “Chỉ thị toàn dân kháng chiến”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên cầm vũ khí chiến đấu. Đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến. Toàn diện kháng chiến. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua”. Các lực lượng vũ trang cách mạng ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn - Gia Định, Nam bộ sau một thời gian vây hãm, tiêu diệt quân Pháp đã rút vào căn cứ xây dựng chiến khu, mở các trận đánh tiêu hao lực lượng của chúng.

Thu Đông năm 1947, Pháp huy động khoảng 12.000 quân tấn công vào căn cứ địa Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực, chặn đường tiếp tế và liên lạc của Việt Nam với bên ngoài. Dựa vào núi rừng hiểm trở, quân ta đã bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 3000 tên, buộc chúng phải rút lui. Chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông 1947 đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta sang một giai đoạn mới, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Để quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, từ tháng 3/1947, Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên 11 số báo Sự Thật, tổng kết kịp thời cuộc chiến đấu ở các đô thị, đồng thời phân tích, giải thích, làm rõ hơn đường lối kháng chiến của Đảng. Những bài báo của Tổng Bí thư Trường Chinh, sau đó được tập hợp và xuất bản thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi (in lần đầu tháng 8/1947). Đây có thể coi là một văn kiện về đường lối của Đảng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Đó là đường lối tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.