Điện Biên hôm nay

Hà Nội (TTXVN 05/05/2023) Trong những ngày tháng năm lịch sử này, cùng với cả nước, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Ðiện Biên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. 69 năm sau ngày giải phóng, Điện Biên đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, đời sống văn hóa-xã hội của người dân được nâng cao, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được tăng cường, củng cố…

* Nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng lúc này, mảnh đất Điện Biên đã bị tàn phá nặng nề, khắp nơi hoang tàn, đồng ruộng bị cày xới, đâu đâu cũng ngổn ngang vũ khí, bom đạn còn sót lại... Để bắt tay xây dựng lại Điện Biên, chỉ riêng việc thu dọn chiến trường phải mất tới 2 năm. Khó khăn là vậy, song phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực để tạo ra “những chiến thắng Điện Biên Phủ” trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển về kinh tế. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Điện Biên luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 1996-2000 là 6,55%; giai đoạn 2001-2005 là 9,3%; giai đoạn 2006-2010 là 11,62%; giai đoạn 2011-2015 là 9,11% và giai đoạn 2016-2020 là 6,8%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, GRDP toàn tỉnh đạt 6,02% (cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước). GRDP năm 2022 tiếp tục tăng 10,19%, đưa Ðiện Biên xếp thứ 2/14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc và xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Tiềm năng đất đai được quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, như: lúa gạo Điện Biên, Tuần Giáo; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, cao su Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé... Bên cạnh đó, cây mắc ca đang trở thành cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh Điện Biên với tổng diện tích trồng thuần mắc ca là hơn 2.000 ha - lớn nhất cả nước. Đặc biệt, với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây đã cho năng suất lúa và chất lượng gạo cao và ngon hiếm nơi nào có được. Hiện nay, quy mô sản xuất lúa tại cánh đồng Mường Thanh khoảng 4.000 ha-4.500 ha, tập trung sản xuất các loại gạo đặc sản có giá trị kinh tế cao. Gạo từ cánh đồng Mường Thanh không chỉ cung cấp tại địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh, thành phố trong cả nước, từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường.

Là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, 69 năm qua, Điện Biên luôn gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần đưa di tích này trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Điện Biên đã đón 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015), tổng thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng (tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ chiếm 70% lượng khách tham quan mỗi năm. Ngày 18/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 408/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045. Theo đó, Điện Biên Phủ là thành phố du lịch văn hóa-lịch sử cách mạng cấp Quốc gia; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và trung chuyển (logistic) trọng điểm của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc và vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Trong nhiều năm qua, Điện Biên cũng tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tạo động lực, đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh. Nhờ đó, Điện Biên ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 195 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ chương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 43.160 tỷ đồng.

* Đời sống văn hóa-xã hội của người dân ngày càng được nâng cao

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Điện Biên cũng chú trọng chăm lo đời sống văn hóa-xã hội cho người dân. Nhờ việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông trên địa bàn có nhiều cải thiện; bộ mặt đô thị và nhiều vùng dân cư nông thôn đổi thay đáng kể. Đến nay, 100% các xã của tỉnh Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng internet và có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế; trên 90% dân số được sử dụng điện...

Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học được nâng cao; đặc biệt chú trọng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, biên giới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chất lượng nâng lên. Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 481 trường, trung tâm với khoảng 7.300 lớp và trên 207.000 học sinh, học viên, sinh viên. Tỷ lệ huy động học sinh tới trường, lên lớp, chuyển cấp, tốt nghiệp hằng năm đạt và vượt kế hoạch.

Cùng với đó, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo nâng cao trình độ, nhất là bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học; ước đạt 11 bác sĩ/vạn dân.

Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được tích cực triển khai, năm 2022 đã giải quyết việc làm mới cho trên 10.600 lao động. Công tác giảm nghèo cũng đạt kết quả tích cực. Theo rà soát sơ bộ năm 2022, toàn tỉnh còn khoảng 41.900 hộ nghèo, giảm 4,32% so với năm 2021. Chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng; thực hiện tốt chính sách đối với người có công...

Văn hóa, thể thao cũng có bước phát triển. Chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, gắn với phát triển kinh tế- xã hội được chú trọng; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được kiểm kê, bảo tồn và phát triển...

Về an ninh-quốc phòng, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối ngoại. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh, quốc phòng, không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ vững chắc; gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh và đối ngoại quân sự; đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương và công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp trên địa bàn.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Quy chế dân chủ được phát huy; công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” có nhiều chuyển biến tích cực; bộ máy chính quyền được tinh gọn, chú trọng đổi mới hoạt động, đảm bảo hiệu quả; các đoàn thể chính trị-xã hội đã có những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện các cuộc vận động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

69 năm đã trôi qua, song cái tên Điện Biên Phủ sẽ mãi còn được nhắc đến như một trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Và trong tương lai, Điện Biên sẽ tiếp tục những trang sử hào hùng ấy, với sự phấn đấu và nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào người Kinh, người Thái, người Mông… trong hành trình xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc./.

Minh Duyên (tổng hợp)