[Photo] Điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer Nam Bộ

Múa trống Chhay-dăm là điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer Nam Bộ, thường được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, lễ Oóc Om Bóc… Múa trống Chhaydăm hình thành trong quá trình lao động, được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trống Chhay-dăm được làm từ thân cau già đục rỗng ruột, phần đầu trống phình to được bịt da trâu, phần đuôi trống nhỏ hơn kết nối với chân trống làm bằng kim loại. Khi biểu diễn, mỗi tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4 - 6 trống Chhay-dăm, 2 chiêng, chũm chọe và gõ sênh. Để có thể múa Chhaydăm, người múa phải đeo trống trước ngực, vừa đánh trống, vừa múa bằng tay và chân. Cái khó nhất của người múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải khéo léo, nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Múa trống Chhay-dăm có thể múa đơn, múa đôi, múa ba hoặc múa tập thể.

  • Múa trống Chhay-dăm thường được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết. Ảnh: An Hiếu

  • Chị Cao Thị Thu Loan ở ấp Trường Loan, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành (Tây Ninh) truyền dạy điệu múa trống Chhay-dăm cho thanh thiếu niên. Ảnh: An Hiếu

  • Để có thể thực hiện các động tác múa trống Chhay-dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Ảnh: An Hiếu

  • Các thành viên của đội múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây, huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Ảnh: An Hiếu