Đồng chí Lê Phước Thọ - một nhân cách, một tấm gương
Hà Nội (TTXVN 6/7/2023) Đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, đã từ trần vào hồi 1 giờ 46 phút ngày 6/7/2023, hưởng thọ 96 tuổi.
Bằng tấm gương trong sáng, giản dị, nhân hậu, suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Lê Phước Thọ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, đồng chí, anh em nơi đồng chí từng công tác, gắn bó.
* Người cán bộ gắn bó với nhân dân, với phong trào cơ sở
Đồng chí Lê Phước Thọ, tên thường dùng Sáu Hậu, sinh ngày 25/12/1927, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó tại xã Tân Lộc, huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Chứng kiến cảnh lầm than dưới ách áp bức bóc lột của thực dân xâm lược, đồng chí Lê Phước Thọ sớm giác ngộ và tiến bước dưới ngọn cờ cách mạng với khát vọng độc lập, tự do.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quê hương rợp bóng cờ bay, người thanh niên yêu nước Lê Phước Thọ gia nhập hàng ngũ dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ấy, với tấm lòng nhiệt huyết thời trai trẻ và là người chứng kiến tận mắt nỗi khổ đau của người dân quê hương khi bị ngoại bang xâm lược, bị áp bức, bất công, bước chân của đồng chí đã miệt mài đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi được tổ chức phân công.
Từ Cà Mau, đồng chí lên vùng Sóc Trăng, Hồng Dân (lúc ấy thuộc Bạc Liêu), Hậu Giang và nhiều nơi khác... ở nơi đâu đồng chí cũng trụ vững trong lòng người dân yêu nước. Đồng chí cùng ăn, cùng ở với đồng bào, được bà con chở che, đùm bọc trong những năm gian khó nhất của cách mạng miền Nam khi Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp chiến trường, nguy nan, sống chết kề cận như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và ở cương vị công tác nào của tỉnh và Trung ương, đồng chí cũng là trung tâm đoàn kết, một lòng, một dạ với công việc, với anh em đồng chí, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Trong suốt giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Lê Phước Thọ đã trải qua nhiều nhiệm vụ, vị trí công tác khác nhau; từ công tác ở xã đến huyện, tỉnh rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất (1970-1975). Đây là thời kỳ địch tiến hành “bình định” cấp tốc, chiếm đất, giành dân với ta. Trong thời gian ngắn, chúng chiếm lại hầu hết các vùng nông thôn giải phóng, các căn cứ của tỉnh ủy, huyện ủy và các xã đều bị đánh phá. Với kinh nghiệm, bản lĩnh của người cán bộ gắn bó với nhân dân, lăn lộn trong phong trào từ cơ sở, đồng chí Lê Phước Thọ đã bám trụ, xây dựng lực lượng tại chỗ, được nhân dân đùm bọc, che chở. Là người có khả năng tập hợp, đồng chí Lê Phước Thọ đã phát huy thành công sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… của Sóc Trăng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi có chủ trương giải thể khu hợp tỉnh, đồng chí được chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, phụ trách Thường trực. Tháng 9-1976, đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) của Đảng, đồng chí được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy.
* Trọn đời cống hiến cho đất nước, quê hương
Sau khi đất nước được giải phóng, đồng chí Lê Phước Thọ được giao những trọng trách cao trong Đảng, góp một phần công sức không nhỏ làm thay đổi diện mạo quê hương, đưa đất nước vươn lên trên con đường đổi mới. Là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang từ năm 1976-1979, đồng chí Lê Phước Thọ luôn sát sao với Trường Đại học Cần Thơ và mời gọi các nhà khoa học của cả nước cùng tìm cách phát huy thế mạnh về nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng của Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn dần dần thay đổi. Chính vì thế, khi được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương vào năm 1986, đồng chí Lê Phước Thọ đã dành thời gian đi các vùng miền, lắng nghe ý kiến người lao động, các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế đổi mới kinh tế nông nghiệp, tham mưu đề xuất với Đảng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988 (hay còn gọi là khoán 10), giúp giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, khẳng định mô hình kinh tế hộ gia đình. Đây thật sự là Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân.
Từ tháng 6/1991-7/1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí Lê Phước Thọ được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Với tất cả sự trăn trở trước nhiều vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, nhất là khi Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, đồng chí Lê Phước Thọ đã thể hiện sự sâu sát, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều, đánh giá đúng tình hình, làm tốt công tác tham mưu về xây dựng Đảng. Trong đó, đồng chí quan tâm đến công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật… nhất là việc đánh giá cán bộ. Đồng chí được mọi người nể trọng bởi sự trong sáng, chân thành, nói ít, nghe nhiều, xử lý công việc chắc chắn, thận trọng.
Gắn bó suốt cuộc đời với sự nghiệp cách mạng bằng một tấm lòng thanh cao, trong sáng, đồng chí Lê Phước Thọ luôn trăn trở lo toan cho dân, cho nước. Là người từng trải, giàu kinh nghiệm từ trong chiến tranh đến thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, sau khi nghỉ hưu vào năm 1996, đồng chí vẫn thường xuyên được Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương mời tham gia hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích. Đối với quê hương Sóc Trăng, đồng chí Sáu Hậu luôn theo sát từng bước sự phát triển của tỉnh, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí còn tham gia viết Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, cho thế hệ nối tiếp nhiều ý kiến quý báu.
Đồng chí Lê Phước Thọ là một tấm gương về đạo đức, tác phong làm việc, lối sống bình dị, có mối quan hệ gắn bó với đồng chí, đồng đội, bạn bè và nhân dân. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí đã dành một phần lớn thời gian để trở lại những vùng căn cứ kháng chiến tại Sóc Trăng, đi thăm từng người, từng nhà những đồng chí, đồng đội, người đã từng che chở cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng trong chiến tranh ác liệt. Đồng chí Sáu Hậu nhiều lần dặn dò Đảng bộ, chính quyền bảo tồn nguyên trạng, phục dựng khu di tích lịch sử cách mạng quan trọng, một địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, phát huy giá trị và ý nghĩa to lớn của khu di tích nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha ta cho thế hệ trẻ. Đồng thời, căn dặn cán bộ các cấp phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn tự soi rọi lại bản thân, nỗ lực phấn đấu, phải thật vững vàng, thật trách nhiệm để tiếp nối truyền thống vẻ vang, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.
Chân tình, mộc mạc mà bản lĩnh, quyết đoán, đồng chí Lê Phước Thọ là tấm gương sáng về nhân cách của một nhà lãnh đạo, của người cộng sản nhân hậu nghĩa tình; suốt cuộc đời đồng chí tận trung với Đảng, tận hiếu với dân./.
Diệp Ninh (tổng hợp)