Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 5/10/2018) Đồng chí Lương Khánh Thiện, người con của quê hương Hà Nam, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Với tinh thần kiên trung, bất khuất, khí tiết hiên ngang của một người cộng sản, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã nêu cao tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người cộng sản.

* Cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Lương Khánh Thiện

Đồng chí Lương Khánh Thiện, tên thật là Trần Xuân Thành, sinh ngày 13/10/1903, tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Năm 1923, khi vừa tròn 20 tuổi, người thanh niên Lương Khánh Thiện rời quê hương đi học tại Trường Kỹ nghệ thực hành thành phố Hải Phòng cũng là lúc “Tiếng bom Phạm Hồng Thái" giết hụt toàn quyền Đông Dương Méclanh và phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu đang tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong tầng lớp trí thức và đông đảo người dân yêu nước. Lương Khánh Thiện được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều phong trào ở cả Nam Định và Hải Phòng. Năm 1925, khi phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu lên cao, Lương Khánh Thiện tham gia vận động anh em đồng môn tổ chức bãi khóa, đòi trả tự do cho những người bị bắt và đồng loạt bỏ trường để phản đối.

Sau đó, năm 1926, Lương Khánh Thiện vào làm thợ nguội ở Nhà máy dệt Nam Định. Với tác phong xông xáo, sâu sát phong trào, nhà hoạt động cách mạng trẻ tuổi Lương Khánh Thiện đã lập ra Hội Tương tế giúp đỡ công nhân, qua đó tuyên truyền, vận động họ đấu tranh đòi quyền lợi, được giới thợ thành phố dệt hết sức hưởng ứng... Năm 1927, Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Nam Định; bị mật thám theo dõi, bị đuổi khỏi nhà máy, Lương Khánh Thiện tạm lánh về quê Mễ Tràng tiếp tục giác ngộ, vận động quần chúng, gây dựng, nhân mối cơ sở cách mạng. Tháng 4 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.  

Ngày 1/5/1930, sau khi tham gia tổ chức biểu tình nhân Ngày Quốc tế Lao động, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hải Phòng, sau đó bị kết án tù khổ sai chung thân, đưa về nhà tù Hỏa Lò và năm 1936, đồng chí được trả tự do.

Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời và sau đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là đồng chí Lương Khánh Thiện, phong trào đấu tranh của công nhân được đẩy mạnh, xúc tiến lập nghiệp đoàn ở những nơi có điều kiện. Đồng chí Lương Khánh Thiện cũng  trực tiếp lãnh đạo công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đuổi thợ vô cớ...

Năm 1938, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai nhưng sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Năm 1940, đồng chí được phân công làm Bí thư liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng năm 1941 và bị xử bắn tại Kiến An (Hải Phòng) vào tháng 9 năm đó.

* Để lại nhiều bài học quý

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn bám sát địa bàn, bám sát phong trào cách mạng, đi đầu trong các phong trào đấu tranh, thể hiện tư duy sáng tạo, khẳng định vai trò là người lãnh đạo, người dẫn dắt phong trào, thúc đẩy phong trào tiến lên phía trước.

Ngay từ những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định…, đồng chí đã thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị, linh hoạt sáng tạo trong phương pháp, phong phú về nội dung công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng, được dân yêu, dân quý và hết lòng giúp đỡ, bảo vệ. Qua đó, đồng chí đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tuyên truyền, tạo dựng niềm tin, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Đặc biệt, với việc tham gia tái lập Xứ ủy Bắc kỳ, chỉ đạo xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, các tổ chức đoàn thể ái hữu ở Hà Nội, phát triển tổ chức Đảng và lãnh đạo phong trào đấu tranh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và nhiều địa phương khác ở Bắc Bộ…, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất và phát động Cao trào đấu tranh dân chủ (1936-1939) sôi động trên phạm vi cả nước.

Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện, Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp cùng Báo Nhân dân tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân những cống hiến của đồng chí đối với Cách mạng Việt Nam, bao gồm: Hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam” (do Tỉnh ủy Hà Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 9/10); Lễ Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện; truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất Mẹ anh hùng” (do Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức vào 20 giờ, ngày 10/10/2018). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Nhân Dân, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nam và một số đài Phát thanh - Truyền hình địa phương trên cả nước.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy Hà Nam cũng sẽ tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại Quần thể khu di tích lịch sử văn hóa-tâm linh Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý./.

Lan Khanh (tổng hợp)