Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand phát triển mạnh mẽ hơn

    Nhân vật liên quan

    • Vương Đình Huệ

Hà Nội (TTXVN 2/12/2022) Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 30/11 đến 7/12/2022. Trong đó, chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ bắt đầu từ ngày 3/12/2022. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand đang phát triển tốt đẹp và hiệu quả, ngay cả trong thời gian đại dịch COVID-19.

 * Quan hệ chính trị-ngoại giao phát triển mạnh mẽ và sâu rộng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe tại buổi hội đàm (6/12/2022). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Việt Nam và New Zealand tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã có quan hệ ngoại giao từ rất sớm. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19/6/1975.

Trong hơn 45 năm qua, hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi nhiều đoàn cấp cao đánh dấu những bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước. Tháng 5/2005, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand", khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước.

Quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm lên thành Quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm New Zealand của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 9/2009. Việc hai nước thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện đã tạo ra xung lực mới cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…

Tiếp đó, vào tháng 3/2018, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở ra một trang mới trong quan hệ Việt Nam-New Zealand, tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí nhanh chóng hoàn tất trao đổi và tham vấn trong năm 2019 về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược trong tương lai gần theo thỏa thuận giữa hai bên.

Trên cơ sở đó, tháng 7/2020, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển và đi vào thực chất, tạo đà để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, quan hệ hai nước vẫn duy trì đà phát triển tốt đẹp thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi. Nổi bật là: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (tháng 7/2020); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điện đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Travor Mallard (tháng 7/2020), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta (tháng 3/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55-AMM 55 tại Phnom Penh (Campuchia) (tháng 8/2022), thăm chính thức New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-New Zealand lần thứ 1 (tháng 9/2022).

Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (14 đến 17/11/2022). Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Jacinda Ardern đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải New Zealand về hợp tác hàng không dân dụng. Đây là những thỏa thuận góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand. Bên cạnh đó, hai nước cũng đã đề ra các phương hướng để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới, vì lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với đó, Chương trình hành động Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024 đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao New Zealand ký kết trực tuyến hồi tháng 12/2021 cũng góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam và New Zealand có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng trên thế giới mà hai nước đều là thành viên như: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các cơ chế hợp tác của ASEAN… Hai nước cũng hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm trong đó có vấn đề Biển Đông, thúc đẩy hợp tác theo các Hiệp định thương mại tự do cả hai nước cùng tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

* Hợp tác kinh tế, thương mại là động lực thúc đẩy quan hệ song phương

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – New Zealand (5/12/2022). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng hiệu quả và đôi bên cùng có lợi được coi là trọng tâm và động lực để thúc đẩy quan hệ song phương. Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới thì kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa New Zealand và Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, đạt hơn 1,3 tỷ USD năm 2021, tăng 26,7% so với năm 2020. Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều sớm đạt 2 tỷ USD vào năm 2024.

Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác sôi động và có đóng góp quan trọng trong hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Trong những năm qua, buôn bán nông sản là một phần quan trọng trong giao thương giữa Việt Nam và New Zealand. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang New Zealand bao gồm: Trái cây nhiệt đới, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, hải sản. Xuất khẩu nông sản của New Zealand chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, bao gồm: Sản phẩm sữa, nguyên liệu ngành dệt may, hoa quả…

Về đầu tư, tính đến tháng 10/2022, New Zealand có 49 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký là 210,18 triệu USD, đứng thứ 39/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của New Zealand vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, nông-lâm nghiệp và thủy sản. Việt Nam có một dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand (của công ty sữa Vinamilk), với tổng vốn đầu tư là 87 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ổn định, tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 khi cung cấp cho Việt Nam 30.000 liều vaccine, hỗ trợ 2 triệu đô-la New Zealand (NZD) để phục hồi sau đại dịch. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Quốc hội New Zealand đã thông qua quỹ ODA cho Việt Nam giai đoạn 2018-2021 với 26,7 triệu NZD để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngoài hợp tác kinh tế-thương mại, hợp tác về giáo dục cũng là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Nền giáo dục New Zealand đang trở thành lựa chọn tốt nhất của sinh viên Việt Nam. Hiện có gần 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand, đứng thứ 9 trong các quốc gia có sinh viên Việt Nam.

Giao lưu nhân dân, hợp tác về lao động, nông nghiệp, an ninh-quốc phòng, trao đổi văn hóa, cũng là những ưu tiên trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai nước đang quan tâm triển khai một số lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở New Zealand có khoảng 5.000 người Việt định cư, cùng với gần 3.000 sinh viên, nghiên cứu sinh, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và có tinh thần hướng về quê hương đất nước.

Chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII; là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới New Zealand kể từ sau khi hai nước mở cửa hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 và là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, dự kiến trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng lãnh đạo cấp cao New Zealand hội đàm, trao đổi để thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác giữa các cơ quan lập pháp; trao đổi, chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.../.

                An Ngọc (tổng hợp)