Đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn
Hà Nội (TTXVN 23/9/2023) Từ ngày 23 đến 26/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.
* Quan hệ chính trị-ngoại giao chặt chẽ và tin cậy
Việt Nam và Brazil tuy ở cách xa nhau nhưng người dân hai nước có nhiều đặc tính tương đồng như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở. Mối liên hệ gần gũi giữa hai nước đã bắt đầu từ rất lâu trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nhân dân Brazil đã có nhiều hoạt động bày tỏ đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Ngày 8/5/1989, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ hợp tác lâu dài và ổn định cho quan hệ song phương. Quan hệ hai nước được nâng lên thành Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007).
Việt Nam luôn coi trọng vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Brazil và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Brazil chủ trương đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa quan hệ, trong đó coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Brazil ngày càng chặt chẽ và tin cậy thể hiện qua kết quả các chuyến thăm, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp bộ, ngành hai nước. Đáng chú ý có chuyến thăm chính thức Brazil của: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 10/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 11/2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2006); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (tháng 7/2018); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Lula da Silva nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản) (tháng 5/2023)…
Về phía Brazil có các chuyến thăm chính thức Việt Nam của: Tổng thống Lula da Silva (tháng 7/2008), trở thành nguyên thủ đầu tiên và duy nhất của Brazil từng đến Việt Nam; Bộ trưởng Ngoại giao Antonio de Aguiar Patriota (tháng 7/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Aloysio Nunes Ferreira (tháng 9/2017; tháng 5/2018)…
Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định về hợp tác văn hoá; Thoả thuận về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại; Thoả thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao; Hiệp định về Hợp tác y tế; Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ; Hiệp định về hợp tác vận tải đường biển, hàng không dân dụng...
Việt Nam và Brazil cũng duy trì hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Việt Nam ủng hộ Brazil trở thành Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nhiệm kỳ 2011-2016 và thành viên Ủy ban Luật quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2012-2016; Brazil đã sớm ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
* Trao đổi thương mại duy trì đà tăng trưởng nhanh
Brazil là quốc gia có uy tín, vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới; là thành viên tích cực tại nhiều tổ chức, cơ chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS)…
Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, từ 1,53 tỷ USD năm 2011 lên 6,78 tỷ USD năm 2022. 8 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,46 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép; và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mì, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại...
Về đầu tư, Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Brazil tại Việt Nam Marco Farani, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn cần được khai phá trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh và quốc phòng. Brazil là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 9 hoặc thứ 10 trên thế giới về quy mô nền kinh tế. Sự hiện diện của hàng xuất khẩu của Brazil sang các nước Đông Nam Á có thể được minh chứng bằng tăng trưởng thương mại giữa Brazil với khu vực (từ 15,1 tỷ USD đã tăng lên 28,9 tỷ USD). Chỉ trong nửa đầu năm 2022, thương mại của Brazil với ASEAN đã tăng 91%, đạt 17 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2022, Brazil trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN nhờ sự hỗ trợ quý báu của Việt Nam.
Riêng trong lĩnh vực năng lượng, theo Đại sứ Farani, Brazil là một ví dụ điển hình về phát triển nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh hiện là bài toán đối với mọi quốc gia và cũng là cam kết mà mỗi quốc gia đang thực hiện. Khoảng 90% năng lượng của Brazil ngày nay là năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi năng lượng là cấp thiết, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế đã đưa ra - giảm lượng phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Brazil có thể chia sẻ các kinh nghiệm sử dụng năng lượng tái tạo này với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ethanol để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài hợp tác kinh tế-thương mại, hai nước còn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao…
Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào thời điểm hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Kết quả chuyến thăm vì thế không những giúp cho việc kỷ niệm dấu mốc này thiết thực hơn mà còn định hướng cho công cuộc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới trong thời gian tới./.
Phước An (tổng hợp)