Hà Nội (TTXVN 29/10/2024) Nhà nước Qatar là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công tác 3 nước Trung Đông (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Qatar sau 15 năm, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Quốc vương Hamad Bin Khalifa Al Thani duyệt đội danh dự tại Lễ đón, ngày 16/1/2012. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

* Hơn 3 thập kỷ quan hệ tốt đẹp

Việt Nam và Qatar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 8/2/1993. Trong hơn 30 năm qua, nhờ những nỗ lực của lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Qatar đã có những bước phát triển quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Qatar đã trao đổi nhiều chuyến thăm, tăng cường sự tin cậy chính trị, tạo thuận lợi cho hợp tác song phương. Trong đó nổi bật gần đây có: Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Hamad Bin Jasim Bin Jaber Al Thani thăm Việt Nam (tháng 4/2008); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhà nước Qatar (tháng 3/2009); Quốc vương Qatar Hamad Bin Khalifa Al-Thani thăm chính thức Việt Nam (tháng 1/2012); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội đồng IPU-140 tại Qatar (tháng 4/2019); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani thăm Việt Nam (tháng 8/2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Qatar (tháng 5/2023); Quốc vụ khanh Ngoại giao Qatar Soltan Bin Saad Al-Muraikhi đến Việt Nam dự cuộc họp Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Qatar lần thứ 3 tại Hà Nội (tháng 7/2024)… Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao đã đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Qatar bước vào giai đoạn phát triển mới.

Hai nước đã tổ chức ba kỳ họp Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (lần thứ nhất tại Hà Nội tháng 2/2015, lần thứ hai tại Doha vào tháng 7/2022, lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 7/2024) và hai kỳ họp Ủy ban hỗn hợp do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Công Thương Qatar làm đồng Chủ tịch (lần thứ nhất họp tại Doha tháng 4/2013, lần thứ hai tại Hà Nội tháng 4/2016).

Năm 2023, hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ quán Việt Nam đã tích cực hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia các sự kiện tổ chức tại Qatar như: Xây ngôi nhà của bạn, Dự án Qatar 2023, Triển lãm làm vườn Doha, Triển lãm nông nghiệp, Lễ hội ẩm thực quốc tế Qatar, Hội thảo xúc tiến đầu tư do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar tổ chức, Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam...

Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Qatar là nước đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam cũng luôn sẵn sàng làm cầu nối cho Qatar trong hợp tác với ASEAN.

* Hợp tác kinh tế, thương mại còn nhiều dư địa để phát triển

Cùng với quan hệ chính trị, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế có tính bổ sung cho nhau, hợp tác kinh tế Việt Nam-Qatar được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Qatar đạt 497,2 triệu USD năm 2023 (tăng 32% so với năm 2022). Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Qatar là khí đốt, chất dẻo,  hóa chất…; xuất khẩu chủ yếu sang Qatar là thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre… Các tập đoàn lớn của Qatar hiện đang hoạt động tích cực và có hiệu quả ở Việt Nam.

Về đầu tư, hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD. Theo thông tin từ phía Qatar, Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư của bên thứ 3) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD. Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang triển khai một số hợp đồng cung ứng thiết bị, dịch vụ thiết kế và nhân lực cho Công ty dầu khí North Oil Company của Qatar giai đoạn 2019-2025.

Hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều thuận lợi khi hãng hàng không Qatar Airways đã mở đường bay trực tiếp từ Doha đến TP Hồ Chí Minh (năm 2007), đến Hà Nội (năm 2010), đến Đà Nẵng (năm 2018) và tiến hành khai thác một số chuyến bay từ Việt Nam sang các nước khác.

Lao động cũng là lĩnh vực hợp tác thế mạnh giữa Việt Nam và Qatar. Hiện Việt Nam có khoảng 300 lao động làm việc tại Qatar.

 

Hiện hai nước đang thúc đẩy ký kết các hiệp định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác hàng hải, hải quan, tư pháp, an ninh, văn hóa, du lịch; thúc đẩy thành lập Hội đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác về năng lượng, khí đốt, cung ứng dịch vụ dầu khí…

Theo các chuyên gia, Qatar còn có lợi thế về vị trí địa lý và kết nối giao thông giữa các châu lục, với hệ thống cảng hàng không và cảng biển rất hiện đại, phát triển. Vì thế, hợp tác với Qatar về kinh tế, thương mại và đầu tư không đơn thuần gói gọn trong phạm vi diện tích lãnh thổ Qatar mà có thể hiểu rộng là tận dụng vai trò cửa ngõ của Qatar để thâm nhập khu vực vùng Vịnh và các thị trường khác.

Tương tự, với vai trò và vị trí địa lý của Việt Nam trong khu vực ASEAN, Qatar có thể thông qua Việt Nam để tiếp cận các thị trường lân cận khác. Việt Nam có thể hỗ trợ, bổ sung cho Qatar với những lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, thực phẩm; máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử; cung cấp sang Qatar lao động có tay nghề, đặc biệt là lao động kỹ thuật, y tá, nhân lực dịch vụ (khách sạn, hàng không); trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với Qatar trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy các hình thức hợp tác liên doanh, hợp tác đầu tư chung trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, phù hợp với Chiến lược Phát triển quốc gia của Qatar và mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Ngoài hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch cũng là những lĩnh vực mà hai bên đang quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã ký MoU hợp tác giáo dục, giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học năm 2012 và MoU hợp tác về trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên năm 2020. Hàng năm, Qatar cung cấp cho Việt Nam 3-4 suất học bổng học tiếng Arab, giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập và tìm hiểu văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của thế giới Hồi giáo, Arab nói chung và Qatar nói riêng.

Các hoạt động giao lưu văn hóa góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Qatar, giúp tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, tạo động lực để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Hai bên đều nhận thấy còn nhiều dư địa để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trên các lĩnh vực tiềm năng như chính trị-ngoại giao, kinh tế, năng lượng, du lịch và lao động. Do đó, tại phiên họp Tham vấn chính trị lần thứ 3 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam-Qatar do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Quốc vụ khanh Ngoại giao Qatar Soltan Bin Saad Al-Muraikhi đồng chủ trì (tháng 7/2024), hai bên nhấn mạnh cần chú trọng tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thể thao; tiếp tục phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực như ASEAN, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, cơ hội hợp tác, kết nối doanh nghiệp giữa hai nước; nghiên cứu khả năng hợp tác trong các dự án nông nghiệp song phương, ba bên hoặc nhiều bên; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch cũng như trao đổi học sinh, sinh viên, mở rộng các chương trình học bổng tiếng Arab và các chuyên ngành đại học tại Qatar cho sinh viên Việt Nam. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai các kết quả đã đạt được, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Với nền tảng quan hệ tốt đẹp hơn 3 thập kỷ qua, chuyến thăm chính thức Nhà nước Qatar của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam-Qatar; đặc biệt trong thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước một cách toàn diện, hiệu quả hơn, nhất là về mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu, hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành Halal.../.

 Trọng Đức (tổng hợp)