EU - đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hoá Trung Quốc

Hà Nội (TTXVN 6/5/2024) Trung Quốc coi Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa đất nước. Đây là phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ba bên EU, Pháp, Trung Quốc diễn ra ngày 6/5 ở thủ đô Paris (Pháp).

 

(Từ trái sang): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc gặp ba bên tại Paris, Pháp ngày 6/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, trong cuộc gặp ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Điện Elysee, ông Tập Cận Bình nêu rõ Pháp là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông trong năm 2024 này và cuộc gặp ba bên càng cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm trên toàn châu Âu. Trung Quốc luôn tiếp cận mối quan hệ với EU từ góc độ chiến lược và lâu dài. Ông hy vọng rằng các mối quan hệ Trung Quốc-Pháp và Trung Quốc-EU sẽ củng cố lẫn nhau và cùng nhau phát triển.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC von der Leyen kêu gọi Trung Quốc đảm bảo thương mại cân bằng hơn. Ông Macron cho rằng EU và Trung Quốc đang ở giao lộ lịch sử, đòi hỏi giải quyết các khó khăn về cơ cấu, trong đó có việc đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp hai bên. Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch EC cho rằng Trung Quốc và EU cùng ủng hộ hòa bình và an ninh, nhưng mối quan hệ song phương đang đứng trước thách thức liên quan các vấn đề tiếp cận thị trường và thương mại.

Đây là chuyến công du châu Âu lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau 5 năm trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương gia tăng, với việc EU điều tra một số ngành công nghiệp của Trung Quốc trong đó xe điện xuất khẩu, còn Trung Quốc đang điều tra hầu hết mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu do Pháp sản xuất.

Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang phát đi những tín hiệu tích cực. Hoạt động kinh doanh của khu vực này trong tháng Tư đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong gần một năm, nhờ các ngành dịch vụ chủ lực tăng trở lại, giúp cân bằng tình trạng suy giảm sản xuất.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực đã bật tăng từ mức 50,3 trong tháng Ba lên 51,7 trong tháng Tư, cao hơn ước tính sơ bộ là 51,4. Chỉ số này do Hamburg Commercial Bank cung cấp, được S&P Global tổng hợp và được coi là thước đo “sức khỏe” tổng thể của kinh tế khu vực. Đây là tháng thứ hai chỉ số PMI của Eurozone vượt mức 50 - ngưỡng phân định suy giảm và tăng trưởng. Chỉ số PMI của tháng Tư cũng đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 5/2023.

Nhà kinh tế trưởng của Hamburg Commercial Bank, ông Cyrus de la Rubia cho biết đây là tháng thứ ba liên tiếp chứng kiến các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực Eurozone mở rộng hoạt động, chấm dứt tình trạng kém sôi động được duy trì trong nửa cuối năm 2023./.

TTXVN