Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Lịch sử nước ta” trong kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam

Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cuối năm 1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn "Lịch sử nước ta" bằng văn vần, dễ đọc, dễ hiểu để phát hành rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Tháng 2/1942, tác phẩm "Lịch sử nước ta" được Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản lần thứ nhất.

Bìa cuốn "Lịch sử nước ta" xuất bản năm 1942 (Ảnh tư liệu)

* Tác phẩm “Lịch sử nước ta”

Tác phẩm “Lịch sử nước ta” được in typo trên giấy dó, kích thước 13cm x 10cm. Đây là tập diễn ca lịch sử gồm 14 trang văn vần, 6 trang ký họa chân dung các Anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám.

Chỉ với 208 câu thơ lục bát của tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt một cách cô đọng lịch sử dân tộc từ ngày tổ tiên dựng nước đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám (khoảng hàng nghìn năm trước Công nguyên đến năm 1941).

Mở đầu tác phẩm bằng những câu thơ:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể năm hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”

Người đã chọn lọc, giới thiệu những nhân vật, những sự kiện chân thực, khách quan để khôi phục chính xác bức tranh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc với những nét cơ bản về truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Hình vẽ minh họa trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" (Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, bằng việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vào lòng người, có sức lan tỏa để ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại, các vị anh hùng có tài trị quốc an dân, mở mang bờ cõi. Từ đó thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái, trai đồng tâm đứng lên chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Khi ra đời, tác phẩm “Lịch sử nước ta” chỉ được lưu hành trong vòng bí mật, nhưng ngay sau đó đã trở thành tài liệu tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân cả nước đồng lòng tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tác phẩm đã điểm lại những mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc. Sau cùng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân tích diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới cuối năm 1941 và đưa ra những nhận định:

“…Bây giờ Pháp mất nước rồi,

 Không đủ sức, không đủ người trị ta.

Giặc Nhật Bản thì mới qua,

 Cái nền thống trị chưa ra mối mành.

 Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,

 Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà.

 Ấy là dịp tốt cho ta,

 Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông."

Từ những bài học quý báu của lịch sử, Người căn dặn, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do: "...Hỡi ai con Rồng cháu Tiên!

 Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.

 Bất kỳ nam nữ nghèo giàu,

 Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.

 Người giúp sức, kẻ giúp tiền,

 Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta...".

Phần kết của tác phẩm "Lịch sử nước ta" năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định nhân tố quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi đó là sự quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh):

 "... Trên vì nước, dưới vì nhà,

 Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.

Chúng ta có hội Việt Minh,

 Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh.

 Mai sau sự nghiệp hoàn thành,

Rõ tên Nam Việt rạng danh Lạc Hồng.

Dân ta xin nhớ chữ đồng:

 Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!".

Phần cuối tác phẩm là mục “Những năm quan trọng”, thống kê những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc từ năm 1879 trước công nguyên đến năm 1941.

Cuối cùng là một mốc lịch sử thể hiện nhãn quan chính trị, tầm dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: 1945 Việt Nam độc lập.

 * Nhằm phổ biến, giáo dục nhân dân về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc

Ngay sau khi tác phẩm "Lịch sử nước ta" ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có bài viết giới thiệu về cuốn sách này trên trang nhất báo Việt Nam độc lập (cơ quan của Việt Minh Cao Bằng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập) số 117, ngày 1/2/1942 với tên bài "Nên học sử ta", nhấn mạnh mục đích nên học lịch sử dân tộc và khẳng định lịch sử  nước ta dạy cho ta bài học: "lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do". Cuối bài này có ghi thêm "Vừa mới xuất bản quyển "Sử nước ta" bằng thơ. Hay lắm, giá mỗi quyển 1 hào ai muốn mua hỏi cán bộ địa phương".

Sau đó, tác phẩm trên được tái bản nhiều lần.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết cuốn “Lịch sử nước ta”, trước hết, làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu, đồng thời, với mục đích phổ biến rộng rãi trong nhân dân, để giáo dục và ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc. Người khẳng định từ nam phụ lão ấu, người bình dân hay tầng lớp phú hào, quý tộc đều có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng chống ngoại xâm, để giành lấy độc lập cho nước nhà. Qua đó, Người động viên, khích lệ nhân dân ta phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chọn thơ ca làm phương tiện thể hiện và chuyển tải những kiến thức lịch sử cơ bản cho người dân vì thực tế đất nước ta khi đó, có hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ và còn trong đói nghèo. Ðồng thời, Người cũng hiểu sâu sắc rằng, thơ ca rất gần gũi, quen thuộc với người dân nước Việt, nhờ đặc tính có vần, có điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi sâu vào lòng người.

Tác phẩm "Lịch sử nước ta" trưng bày tại phòng số 6 Phong trào Việt Minh 1941-1945 (Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ hai cuốn "Lịch sử nước ta", gồm tác phẩm in lần thứ nhất, năm 1942 và tác phẩm in lần thứ hai được in cùng phụ lục ca kháng chiến. Năm 1983, “Lịch sử nước ta” được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, có nội dung đúng như văn bản do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942./.

 Phương Phương (tổng hợp)