HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza: Bước đột phá trong cuộc xung đột Hamas-Israel

Hà Nội (TTXVN 26/3/20224) Trong một bước đi được đánh giá là mang tính đột phá, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 25/3/2024 đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Dải Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng nổ từ ngày 7/10/2023 và vượt qua nhiều bất đồng, HĐBA đã tìm được tiếng nói chung trong một nghị quyết yêu cầu lệnh ngừng bắn lâu dài.

 

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ tại New York (Mỹ) thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza ngày 25/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Nghị quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cho tháng lễ Ramada, tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn lâu dài. Nghị quyết cũng yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho toàn bộ các con tin. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng viện trợ nhân đạo và tái khẳng định yêu cầu dỡ bỏ mọi rào cản đối với việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở quy mô lớn.

Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của 14 Ủy viên HĐBA, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Nghị quyết trên được đánh giá mang tính đột phá, do 10 nước Ủy viên không thường trực HĐBA đưa ra và được đàm phán căng thẳng cho đến phút chót. Nghị quyết do Algeria - Ủy viên không thường trực của HĐBA thuộc khối Arab và nhiều quốc gia khác gồm Slovenia và Thụy Sĩ - soạn thảo. Về phía Mỹ, nước này khẳng định nghị quyết mới được HĐBA LHQ thông qua chỉ có thể được thực hiện khi Hamas bắt đầu thả các con tin.

Ngay sau khi HĐBA thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan, ngày 25/3, Ai Cập đã ra tuyên bố hoan nghênh, đồng thời kêu gọi thực hiện ngay lệnh ngừng bắn theo hướng mở đường cho việc giải quyết tất cả các yếu tố của cuộc khủng hoảng. Ai Cập đánh giá việc thông qua quyết định này là “một bước tiến quan trọng” và bước đầu tiên cần thiết để chấm dứt đổ máu, ngăn chặn thêm thương vong cho dân thường Palestine, cũng như tạo cơ hội cho viện trợ nhân đạo vào dải đất này sau hơn 5 tháng xung đột gây tổn hại nghiêm trọng cho thường dân ở Dải Gaza. Tuyên bố khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các bên quốc tế và khu vực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza càng nhanh càng tốt.

Hamas cùng ngày cũng hoan nghênh nghị quyết của HĐBA LHQ, cho biết sẵn sàng đàm phán về việc trao trả con tin để đổi lấy tù nhân Palestine. Hamas khẳng định sẽ giữ nguyên đề xuất ban đầu nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, bao gồm việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza, hồi hương những người Palestine phải di tản và trao đổi tù nhân “một cách thực sự”. Trước đó, Hamas nói rằng phong trào này muốn việc trao đổi tù nhân Palestine và con tin Israel là một phần của thỏa thuận ngừng bắn toàn diện nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản đối đề xuất của Hamas, lập luận rằng đề xuất này vẫn dựa trên “những yêu cầu phi thực tế”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công trên bộ cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Binh sĩ Israel tuần tra trong khuôn viên Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) ở thành phố Gaza, ngày 8/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến khác liên quan đến xung đột Hamas-Israel, Israel ngày 25/3 cho biết sẽ dừng phối hợp với Cơ quan Công tác Cứu trợ của LHQ ở Dải Gaza (UNRWA), cáo buộc cơ quan viện trợ này khiến cho xung đột kéo dài. Động thái của Israel diễn ra sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tái khẳng định UNRWA chính là giải pháp cho niềm hy vọng và cuộc sống của người Palestine, đồng thời kêu gọi tăng mạnh viện trợ cho người dân ở Dải Gaza. Tổng Thư ký Guterres phản đối việc ngăn các dịch vụ quan trọng của UNRWA dành cho người tị nạn Palestine trên toàn khu vực. Ông nhấn mạnh việc chặn các đoàn xe của UNRWA là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, kêu gọi Israel dỡ bỏ mọi rào cản ngăn hàng viện trợ vào Gaza và cho phép các đoàn xe của UNRWA vào phía Bắc Gaza. Theo ông Guterres, điều quan trọng hiện nay là phải đảm bảo cung cấp lượng lớn hàng cứu trợ nhân đạo, điều này đồng nghĩa rằng phải mở thêm cửa khẩu, huy động nỗ lực của tất cả các bên mà không có sự cản trở hay hạn chế nào từ phía Israel. UNRWA đang là niềm hy vọng duy nhất cho hàng triệu người trong khu vực, do đó cần phải cố gắng duy trì các dịch vụ của UNRWA để nuôi dưỡng niềm hy vọng này.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại cuộc họp báo trong chuyến thăm trại tị nạn Al-Wehdat dành cho người Palestine ở Amman, Jordan ngày 25/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động của UNRWA đang gặp khó khăn do một loạt quốc gia đã dừng viện trợ sau khi Israel cáo buộc hàng chục nhân viên của tổ chức này tham gia cuộc tấn công của phong trào Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023. UNRWA cũng cáo buộc Israel ngăn cản các chuyến hàng của tổ chức này đưa vào miền Bắc Dải Gaza, nơi đang có nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng.

Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 32.333 người Palestine đã thiệt mạng và 74.694 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza vào tháng 10/2023. Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến 1.160 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường tại nước này. Xung đột cũng khiến hàng triệu người dân ở Gaza trên bờ vực nạn đói./.

Minh Trà (tổng hợp)