“Hoàng Hoa sứ trình đồ” - cuốn sách cổ, quý hiếm và độc đáo

Hà Nội (TTXVN 31/5/2018) Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO (diễn ra từ 29 đến 31/5/2018) tại Gwangju, Hàn Quốc, đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

* Cuốn sách cổ, quý hiếm và độc đáo
“Hoàng hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa) là cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy (ở xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh được biên soạn những năm 1765-1767 dưới triều vua Lê Hiển Tông, từ các tài liệu của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Về hình thức, “Hoàng hoa sứ trình đồ” có kích thước 30cm x 20cm, dày 2cm được vẽ bằng 3 loại màu trên bản mộc giấy dó.

Về nội dung, “Hoàng hoa sứ trình đồ” vẽ lại bản đồ đi sứ từ biên giới Việt-Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh; ghi chú rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về; ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” hiện là bản sao chép tay duy nhất do con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu; là tác phẩm quý hiếm và độc đáo, có giá trị nhiều mặt: địa lý, lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hoá, phong tục, nghệ thuật... đồng thời chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII.

Với những giá trị đặc sắc cùng công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của tỉnh Hà Tĩnh, sự hỗ trợ của của Bộ Ngoại giao và sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam với UNESCO cùng các nước trong Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Việt Nam đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn, đáp ứng được đủ các tiêu chí để được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

* Về các Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam
Di sản Tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới) được UNESCO khởi xướng từ năm 1992, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn và tiếp cận những di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và nhiều khu vực trên thế giới. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hoặc có thể là bút tích, bản thảo…        

Đến thời điểm này, Việt Nam có 7 Di sản Tư liệu thế giới là “Hoàng hoa sứ trình đồ” và 6 di sản được công nhận trước đó, bao gồm:
- Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009): là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, gồm 34.618 tấm chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Các bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Nội dung của khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.

- Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011): Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích có giá trị đặc biệt, phản ánh hết sức sinh động truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Trong đó, các bia tiến sĩ hiện còn tại di tích là một di sản văn hóa nổi tiếng và là niềm tự hào của dân tộc. Đến nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia ghi rõ họ tên, quê quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng. 82 bia này là nguồn sử liệu quý giá, phản ánh về lịch sử giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm.

- Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012): Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, có tổng số 3.050 ván rời với 9 đầu sách để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử xưa nay. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra). Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử.

- Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2014): là một loại hình tài liệu Hán - Nôm, bao gồm các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945): văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến, có giá trị nổi bật về nội dung bởi những thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Một trong những giá trị nổi bật của Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu đặc biệt quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (được công nhận năm 2016): Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời vua Nguyễn (1802-1945) có thơ văn trang trí "nhất thi nhất họa" và "nhất tự nhất họa", được hình thành cùng thời xây dựng công trình. Thơ văn này thể hiện sự phong phú đa dạng về cả nội dung cho đến hình thức; khắc họa những đề tài truyền thống thuần túy Việt Nam, như: bát bửu, hoa lá, trái cây, rồng, hạc, đầu rồng, dây lá… Theo thống kê hiện nay, trên các di tích kiến trúc cung đình có tổng số 2.679 ô thơ văn và cũng có chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ. Di sản này phản ánh rõ nét một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.

- Mộc bản trường học Phúc Giang (được công nhận năm 2016): là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại trường học Phúc Giang (thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Khối mộc bản gồm 379 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển): Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ. Không chỉ là tư liệu gốc giúp nghiên cứu hệ thống giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội… của Việt Nam trong giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ XVIII, Mộc bản với những dấu triện, gia huy, thư pháp, hình thức, ngôn ngữ, chất liệu gỗ… còn là tư liệu quý cung cấp thông tin thuộc nhiều lĩnh vực: văn bản học, giáo dục học, in ấn, mỹ thuật… ./.

Minh Duyên (tổng hợp)
[Nguồn: Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch]