Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
Hà Nội (TTXVN 17/11/2010)
Vào hồi 18 giờ 20 phút ngày 16/11/2010 (tức 22 giờ 20 phút, giờ Việt Nam), tại thành phố Nairôbi, thủ đô của Kênia, kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
* Công tác chuẩn bị và ghi nhận
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng bộ hồ sơ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc để đệ trình UNESCO xem xét đưa di sản này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là cơ quan xây dựng hồ sơ.
Hàng năm, Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận. Ban soạn thảo đã lấy tâm điểm là Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) - tương truyền là nơi Thánh Gióng sinh ra và Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) - nơi Thánh bay về trời, làm căn cứ xây dựng hồ sơ Lễ hội Gióng trình UNESCO.
Ngày 31/8/2009, Hồ sơ đề cử lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã hoàn thành và được gửi tới trụ sở UNESCO tại Pari (Pháp).
Hội Gióng được UNESCO ghi nhận ngắn gọn mà đầy đủ: “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng”.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Cái lõi ban đầu của Hội Gióng là lễ hội nông nghiệp nhưng đến thời Lý - Trần, Hội Gióng bắt đầu thay đổi, trở thành hội trận mang tính biểu tượng, tái hiện cuộc chiến chống ngoại xâm của cha ông ta, từ lúc chuẩn bị vũ khí, lực lượng, lương thảo cho đến khi kết thúc trận đánh. Sự phát triển đã giúp Hội Gióng sống mãi, được chính người dân bồi đắp, tạo nên tính cộng đồng độc đáo”.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản thứ 3 của thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010 (trước đó, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới).
* Về lễ hội Gióng
Hội Gióng tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), từ lâu đã trở thành biểu tượng, thể hiện phẩm chất và hành động của người anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ mùa màng, được nhân dân tôn là vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Lễ hội Thánh Gióng là một trong những hội lễ lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.
Cho đến nay, Hội Gióng được cử hành ở nhiều nơi với nghi lễ khá tương đồng. Lễ hội Gióng bắt đầu từ ngày mùng 6 đến 12/4 âm lịch hàng năm, chính hội là ngày 9/4 âm lịch.
*Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm)
Lễ hội Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm: Đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ, tại làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội.
Hội Gióng hay còn gọi là Hội trận, chứa đựng nhiều nghi thức độc đáo không giống với bất kỳ một lễ hội nào. Riêng lễ rước kiệu đã có hơn 1.000 người dân và các cháu thiếu niên trong xã tham gia.
- Hội Gióng được bắt đầu (mùng 6/4 âm lịch) bằng một lễ rước nước: Đoàn người rước hai chum “thiêng” từ đền Thượng đến đền Mẫu và đặt lên bệ bên bờ giếng, có 80 quân phù giá xếp thành hai bên bậc xuống giếng. Người đứng gần mép nước kính cẩn múc từng gáo nước chuyền lên đổ vào chum qua một lớp vải lọc.
- Sáng mùng 7/4, rước cỗ chay (cơm với cà) từ đền Mẫu về đền Thượng, có múa Ải Lao.
- Ngày mùng 8/4, duyệt lại 28 nữ tướng, chọn tướng nhất, tướng nhì của mỗi giáp.
- Ngày mùng 9/4, chính hội, là ngày Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Mở đầu hội là cuộc rước cờ từ đền Mẫu đến đền Thượng. Khi đám rước về đến đền Thượng, đội quân của Gióng biểu diễn các động tác quân sự theo nhịp trống chiêng. Tiếp đó là phường múa Ải Lao diễn trò săn hổ và vây bắt hổ, theo điệu múa hổ.
Tiếp theo, khi có trinh sát về báo giặc Ân vây đóng ở Đống Đàm (tượng trưng cho trận địa địch), chiêng trống lại nổi lên, đoàn người tiến về Đống Đàm dưới hình thức một đám rước lớn. Đến chiến trường, hiệu trống nổi ba hồi, mọi người im lặng như tưởng nhớ Gióng. Hiệu trung quân đốt tràng pháo ra lệnh tiến công, tướng tiên phong đáp lại bằng ba hồi trống con. Cờ lệnh bắt đầu mở, tiếng chiêng trống, hò reo vang dậy một vùng trời. Trận chiến đấu chống giặc Ân bắt đầu bằng điệu múa cờ lệnh. Chấm dứt múa cờ lệnh là lúc quân tướng giặc Ân tan tác bỏ chạy.
Sau khi chiến thắng giặc Ân, đám rước lại trở về đền Thượng, hàng tổng mở tiệc khao quân, nhưng vào giữa bữa tiệc, trinh sát cấp báo quân giặc đang vây ở Sòi Bia nên đoàn quân Gióng tiến về Sòi Bia.
Cuộc chiến đấu dũng cảm diễn ra được tượng trưng bằng điệu múa cờ lệnh. Khi điệu múa chấm dứt, quân giặc đại bại, tướng giặc bị bắt giải về đền Thượng cùng với trống chiêng rền vang. Tại đây, hiệu cờ múa chém tướng giặc. Tiếp đó làm lễ dâng thủ cấp giặc cho Gióng. Lễ xong tiệc khao lại thịnh soạn trong không khí chiến thắng bao trùm hội lễ.
- Ngày mùng 10/4, là lễ rước văn để duyệt quân và kiểm tra vũ khí, đồng thời cử hành lễ tạ ơn Gióng và hội mừng thắng lợi khao quân.
- Ngày 11/4, lễ rửa hội, một hình thức rước nước về đền rửa tự khí và vũ khí.
- Ngày 12/4, rước cắm cờ, là cuộc xem lại hai chiến trường, phòng có tên giặc nào sống sót, rồi cắm cờ an toàn. Buổi chiều làm lễ báo tiệp với đất trời và lễ hạ hồi, bốn nghệ nhân xuất sắc của phường Ải Lao múa hát vang bài Lạc thành ca ngợi chiến công to lớn của quân dân đời Hùng Vương.
*Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn)
Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra tại Khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo truyền thuyết, nơi đây là điểm cuối cùng của cuộc hành trình của ông Gióng ở chốn trần thế. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông Gióng về đây ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất trời lần cuối, cởi áo chiến bào khoác lên cây trầm hương để lại nơi đỉnh núi Vệ Linh, rồi cả người lẫn ngựa bay về trời. Người dân quanh núi Sóc nhớ ơn người anh hùng thần thánh đã lập đền thờ ông dưới chân núi Sóc (gọi là đền Sóc). Hàng năm, nhân dân quanh vùng mở hội để tưởng nhớ Ngài.
Diễn trình hội Gióng ở đền Sóc được chuẩn bị chu đáo từ khâu chuẩn bị vật tế lễ. Công việc chuẩn của các thôn làng được bắt đầu từ trước ngày khai hội khoảng 2-3 tuần lễ. Theo nội dung ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt, các làng được phân công rước các lễ vật trong lễ hội như sau:
- Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) - rước giò hoa tre
- Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi
- Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau
- Thôn Đức Hậu (xã Đức Hoà) - rước ngà voi
- Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi
- Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng
Hiện nay còn có thêm biểu tượng rước ngựa Gióng của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) và rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Các thôn, làng khác được phân công cúng tiến lễ vật đều chuẩn bị phẩm vật từ giữa tháng chạp, rồi làm lễ tại đình làng mình vào ngày mùng 5 Tết.
- Diễn trình của lễ hội cũng rất đặc sắc. Vào đêm mùng 5 Tết, nghi lễ mộc dục được tiến hành ở đền Thượng. Tảng sáng ngày mùng 6, sau 3 hồi trống nổi lên từ đền Thượng, cây giò hoa tre (đoàn rước đi đầu) của thôn Vệ Linh được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến.
Chủ tế thôn Vệ Linh làm lễ và đọc bài tấu. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình, tại đây diễn ra trò cướp lộc với mong muốn được nhiều may mắn trong năm cho mỗi người dự lễ.
Một trong những tục độc đáo của lễ hội đền Sóc là tục chém tướng của thôn Yên Tàng, gồm có phần rước đồng thời diễn tả lại việc chém tướng (như một trận đánh nhỏ).
- Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi. Chiều mùng 8, lễ hoá voi bên bờ hồ Sóc được coi như nghi thức kết thúc hội./.
Phương Dung (tổng hợp)