Hội nghị An Phú Xã (20/11/1945)
Tham dự Hội nghị có 49 đại biểu của hầu hết các tỉnh Nam Bộ, được triệu tập họp trong bối cảnh quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ, lực lượng cộng hòa vệ binh và Bình Xuyên phân hóa sâu sắc, có một số tan rã, đầu hàng địch, số còn lại tham gia các đơn vị vũ trang khác tiếp tục chiến đấu. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Hội nghị An Phú Xã đã tập trung bàn và quyết định các vấn đề cấp bách như: thống nhất lực lượng, chỉ huy, tổ chức lại bộ đội và kế hoạch chống Pháp, diệt tề trừ gian; xây dựng đoàn kết quân dân, tiếp tế cho bộ đội; phân chia khu vực hoạt động của các lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh du kích rộng khắp; thống nhất tên gọi các đơn vị là Giải phóng quân. Hội nghị nhất trí cử Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ; Hoàng Đình Giong (Vũ Đức) làm Chính trị ủy viên. Hội nghị đã kịp thời động viên tinh thần kháng chiến, củng cố lòng tin của quân dân Nam Bộ với Trung ương Đảng và Chính phu Hồ Chí Minh. Hội nghị còn quyết định chia Nam Bộ thành các chiến khu 7, 8, 9 và thành lập các chi đội chủ lực ở các chiến khu, chỉ định các trưởng khu, các ủy viên chính trị; đồng thời quyết định xây dựng khu Lạc An, U Minh, Đồng Tháp Mười làm căn cứ cho các chiến khu.
Ngày 10.12.1945, các chiến khu chính thức được thành lập (sau này gọi là khu). Chiến khu 7 gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn, do Nguyền Bình và Trần Xuân Đô làm Khu trưởng và Chính trị ủy viên đầu tiên; lực lượng chủ lực có 18 chi đội (1946, có 7 chi đội Binh Xuyên). Chiến khu 8 gồm các tinh Tân An, Mĩ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc (lúc này địch chỉ mới chiếm được thị xã Tân An, Mĩ Tho, Gò Công), có căn cứ Đồng Tháp Mười, do Đào Văn Trường và Võ Sỹ làm Khu trưởng và Chính trị ủy viên đầu tiên; lực lượng chủ lực có 5 chi đội (1946). Chiến khu 9 gồm các tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng (lúc này địch mới chiếm được thành phố Vĩnh Long và cần Thơ), do Hoàng Đình Giong và Phan Trọng Tuệ làm Khu trưởng và Chính trị ủy viên đầu tiên; lực lượng chủ lực có 5 chi đội (1946).
Hội nghị An Phú Xã bước đầu tạo ra sự thống nhất về tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo cách đánh, góp phần củng cố và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ở Nam Bộ; đồng thời sự ra đời của các chiến khu đã đánh dấu bước chuyển biến tích cực của cục diện chiến trường trong thời ki đầu kháng chiến chông Pháp ở Nam Bộ.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)