Hội nghị Bàn Môn Điếm (1953)
Từ tháng 3.1951, trận tuyến giữa hai bên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (xem Chiến tranh Triều Tiên, 1950-53) xoay chuyển quanh khu vực vĩ tuyến 38; tình hình cho thấy khó phân thắng bại. Dư luận Mĩ và Liên Xô đòi hai bên tham chiến rút quân về 2 bên vĩ tuyến 38, giữ nguyên hiện trạng như trước khi chiến tranh xảy ra. Ngày 23.6.1951, đại sứ Liên Xô tại Liên hợp quốc đề nghị các bên mở cuộc thương lượng nhằm đình chỉ chiến sự và kí Hiệp định đình chiến. Đề nghị của Liên Xô được Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Chính phủ cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tán thành và tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Ngày 10.7.1951, hội nghị hai bên bắt đầu họp (mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn) ở Kaesong (Khai Thành), sát mặt trận (vĩ tuyến 38). Đoàn đại biểu mỗi bên tham gia Hội nghị gồm 5 đại biểu; phía Triều - Trung do Đại tướng Nam In, Tổng Tham mưu trường quân đội nhân dân Triều Tiên làm trưởng đoàn. Phía Mĩ - Nam Triều Tiên do Phó Đô đốc Tơcnơ Gioi (Turner Joy), Tư lệnh Hải quân Mĩ ở Viễn Đông làm trưởng đoàn.
Trong quá trình Hội nghị, hai bên tranh luận các vấn đề về xác định giới tuyến quân sự và thiết lập vùng phi quân sự giữa hai bên Triều Tiên; sắp xếp cụ thể việc thực hiện ngừng bắn và ngừng tiến công trong lãnh thổ Triều Tiên, gồm việc tổ chức cơ cấu giám sát ngừng băn, ngừng tiến công; trao trà tù binh và những kiến nghị với chính phủ các nước của hai bên. Hơn một tháng tranh luận gay gắt, hai bên không chấp nhận những đề xuất của nhau về các vấn đề trên; ngày 23.8, Hội nghị tạm ngừng. Trong thời gian ngừng Hội nghị, với chủ trương dùng sức mạnh quân sự để đạt mục tiêu đàm phán, quân đội Mĩ - Nam Triều Tiên mở các cuộc tiến công xuân hè và mùa thu đánh vào chính diện phòng ngự của quân đội Bấc Triều Tiên, đồng thời cho máy bay đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Triều Tiên. Các cuộc tiến công của quân đội Mĩ - Nam Triều Tiên bị quân đội Bắc Triều Tiên và Quân chí nguyện Trung Quốc đánh bại. Ngày 25.10.1951, hai bên quyết định mở lại đàm phán ở Bàn Môn Điếm. Hội nghị nhiều lần bị gián đoạn do mâu thuẫn xung quanh nhiều vấn đề, nhất là xác định giới tuyến quân sự, vấn đề xây dựng các công trình ở khu vực biên giới và vấn đề trao trả tù binh... Ngày 22.5.1952, Thiếu tướng Harixơn (Harrison) được cử làm trưởng đoàn đàm phán phía Mĩ.
Được giao trách nhiệm kéo dài Hội nghị để quân đội Mĩ - Nam Triều Tiên tăng cường hoạt động gây sức ép đối với phía Triều - Trung, Harixơn nhiều lần đơn phương rời bỏ Hội nghị. Ngày 8.10.1952, Hội nghị Bàn Môn Điếm ngừng vô thời hạn. Trong thời gian ngừng Hội nghị, phía Mĩ tiếp tục có những hoạt động quân sự chống Bắc Triều Tiên, đặc biệt là cuộc tiến công quy mô lớn vào Thượng Cam Lĩnh (xem Chiến dịch Thượng Cam Lĩnh, 14.10-25.11.1952). Phía Triều - Trung tăng cường lực lượng, hình thành hệ thống phòng ngự kiên cố từ bờ biển phía đông sang phía tây, nhiều lần đánh bại các cuộc tiến công của quân đội Mĩ - Nam Triều Tiên. Nhận thấy các cuộc tiến công mặt đất đều gặp khó khăn rất lớn, phía Mĩ tỏ ý muốn quay trở lại đàm phán. Ngày 22.2.1953, phía Mĩ gửi công hàm cho phía Triều - Trung kiến nghị trao đổi tù binh bị bệnh, bị thương trong chiến tranh và được phía Triều - Trung chấp nhận; ngày 11.4.1953, hai bên kí thỏa thuận trao đổi tù binh bị bệnh, bị thương. Ngày 26.4.1953, Hội nghị Bàn Môn Điếm họp trở lại, bất chấp sự phản đối của Lí Thừa Vãn (Tổng thống Nam Triều Tiên). Trước tình hình trên, Mao Trạch Đông quyết định lùi thời gian kí Hiệp định đình chiến để tiêu diệt thêm quân Nam Triều Tiên. Ngày 13.5.1953, Quân chí nguyện mở đầu cuộc tiến công mùa hè, tiếp đó mở chiến dịch hè thu, gây thiệt hại nặng nề cho quân Mĩ - Nam Triều Tiên.
Ngày 10.7.1953, Hội nghị Bàn Môn Điếm họp trở lại. 10 giờ sáng ngày 27.7.1953 (giờ Triều Tiên) Đại tướng Nam In, đại diện phía Triều - Trung và tướng Harixơn, đại diện phía Mĩ kí Hiệp định đình chiến. Nội dung chủ yếu gom: vạch giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 38, lập khu phi quân sự từ giới tuyến về mỗi phía 2 km. Hai bên không tiến hành hoạt động đối địch trong khu phi quân sự, không được vượt qua giới tuyến quân sự; 12 giờ sau khi Hiệp định được kí, hai bên phải đình chỉ mọi hoạt động của hải, lục, không quân, rút hết mọi lực lượng quân sự khỏi khu phi quân sự và khỏi vùng đối phương; đình chi việc tăng nhân viên quân sự và vũ khí trang bị vào bán đảo Triều Tiên; trong 60 ngày sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên phải tập trung vào việc cho mọi tù binh có yêu cầu được hồi hương; sau 3 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực sẽ triệu tập Hội nghị các nước có liên quan đề bàn việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Với việc kí Hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điếm, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53) kết thúc.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)