Hội nghị Bình Than (1282)

Thất bại trong cuộc tiến công xâm lược lần I (1258) nhưng đế quốc Mông cổ vẫn không từ bỏ âm mưu thôn tính Đại Việt. Tuy nhiên, do phải tập trung sức đánh Nam Tống, các hãn Mông cổ chưa thể đem quân đánh Đại Việt, mà chủ yếu dùng các biện pháp gây sức ép nhằm khuất phục triều đình Nhà Trần. Năm 1279, sau khi thôn tính Nam Tống, thống nhất Trung Quốc, lập ra Triều Nguyên, Hốt Tất Liệt tăng cường các thủ đoạn nhằm khuất phục Vua Trần Nhân Tông vừa mới lên ngôi, đồng thời tìm cách tạo cớ chuẩn bị xâm lược. Cuối 1279, bắt giữ sứ giả Nhà Trần khiến quan hệ hai nước càng thêm căng thắng. Năm 1281, Nhà Nguyên mua chuộc được Trần Di Ái (chú họ Trần Nhân Tông đang dẫn đầu đoàn đi sứ sang Trung Quốc), phong làm An Nam Quốc vương và lập triều đình bù nhìn rồi phái một nghìn quân hộ tống về nước, tạo áp lực buộc Vua Trần đầu hàng, nhưng bị Nhà Trần kiên quyết đập tan. Hốt Tất Liệt quyết định dùng biện pháp quân sự để tiến công Đại Việt.

Hiểu rõ âm mưu của kẻ thù, Nhà Trần tích cực chuẩn bị kháng chiến. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282), mở Hội nghị các vương hầu, quan lại, tướng soái cao cấp tại bến Bình Than trên sông Lục Đầu (đến nay, địa điểm diễn ra Hội nghị vẫn chưa xác định được thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hay huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để bàn kế hoạch đánh giặc và phân công các tướng trấn giữ những nơi hiểm yếu. Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước và chỉ bàn hai vấn đề thiết yếu nhất: xác định phương hướng chiến lược chống xâm lược và tổ chức bộ máy chỉ huy chống ngoại xâm. Cuộc họp quan trọng này không diễn ra tại Thăng Long, hay ở hành cung Tức Mặc - Thiên Trường nhằm tránh sự theo dõi của gián điệp Nhà Nguyên và để tiện việc khảo sát thực địa. Từ đó, xây dựng các phương án đánh giặc sát với địa bàn dự kiến là chiến trường quan trọng. Tại Bình Than, Trần Khánh Dư được phục hồi chức tước, trong luận bàn, có nhiều ý kiến hợp ý Vua. Trần Quốc Toản mới 15 tuổi, không được tham dự luận bàn, nhưng căm thù giặc đã bóp nát quả cam Vua ban mà không biết.

Sau, các tướng lĩnh nhận lệnh đem quân đóng giữ những nơi hiểm yếu. Các chức vụ quan trọng để lãnh đạo cuộc kháng chiến cũng được xác định: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được chỉ định làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội cả nước; Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được trao chức Thái sư.

Hội nghị Bình Than có tác dụng làm cho các vương hầu, quan lại quán triệt được quyết tâm và chủ trương kháng chiến của triêu đình, động viên được lực lượng của toàn bộ tầng lớp quý tộc hăng hái tham gia kháng chiến. Đồng thời, đã góp phần quan trọng làm tham mưu chiến lược cho triều đinh tổ chức lực lượng và chuẩn bị kế hoạch tác chiến, quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần II.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)