Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC: Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-GCC đi vào chiều sâu và thực chất

Hà Nội (TTXVN 17/10/2023) Từ ngày 18 đến 20/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud. Chuyến công tác của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng, cho thấy Việt Nam luôn là một thành viên nòng cốt của ASEAN, cùng các nước ASEAN đóng góp hiệu quả vào hợp tác giữa ASEAN với GCC, qua đó cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước thành viên trong GCC.

     * Thành tựu hợp tác ASEAN-GCC

     Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, bao gồm 10 nước thành viên là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia (Timor-Leste đang trong lộ trình để được kết nạp làm thành viên chính thức).

     Kể từ khi ra đời đến nay, ASEAN đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc đưa Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định; từ một khu vực kinh tế lạc hậu trở thành một đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập toàn cầu.

     Từ dân số khoảng 260 triệu người khi mới thành lập, ASEAN hiện là ngôi nhà chung của hơn 650 triệu người dân và là một thị trường nhiều tiềm năng. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ 8 hình thành và phát triển, kể từ mốc 31/12/2015 và đang trên hành trình hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

      Trong khi đó, Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.

     Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.

     Quan hệ ASEAN-GCC bắt đầu từ năm 1990 khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, đã bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN.

     Cùng năm 1990, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC đã có cuộc gặp lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). Hai Ban Thư ký ASEAN và GCC đã chính thức thiết lập quan hệ từ năm 2009.

     Kể từ đó, hai bên duy trì tiếp xúc, gặp gỡ chủ yếu thông qua các Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức được tổ chức tại một nước thành viên của GCC hoặc ASEAN. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 3 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức (vào các năm 2009 tại Manama, Bahrain; năm 2010 tại Singapore; năm 2013 tại Manama, Bahrain).

     Trong đó đáng chú ý là tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức lần thứ nhất (tổ chức tại Bahrain, tháng 6/2009), hai bên đã ra Tuyên bố báo chí chung và thông qua Tầm nhìn chung, đề ra những định hướng phát triển quan hệ ASEAN-GCC, tập trung vào: Nghiên cứu khả năng hình thành khu vực mậu dịch tự do; Thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác phát triển; Tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, thông tin. Cũng tại hội nghị lần thứ nhất này, Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký GCC đã ký Bản ghi nhớ (MoU) chính thức thể chế hóa hợp tác giữa hai Ban Thư ký. 

    Ngoài Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC chính thức, ASEAN và GCC cũng đã tổ chức các cuộc họp Tham vấn về Hợp tác Giáo dục (tại Bangkok, Thái Lan, ngày 25/11/2010); về An ninh lương thực và Đầu tư Nông nghiệp (tại Doha, Qatar, ngày 3 và 4/5/2011); về Du lịch (tại Luang Prabang, Lào, ngày 24 và 25/6/2011); và Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-GCC (tại Salalah, Oman, ngày 11 và 12/7/2011).

    Các nước thành viên GCC quan tâm tăng cường hợp tác với ASEAN, đều đã cử Đại sứ tại ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). Gần đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (tại Phnôm Pênh, Campuchia tháng 8/2022), ASEAN đã trao quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). ASEAN cũng đã thiết lập các Ủy ban ASEAN tại Thủ đô của tất cả các nước thành viên GCC.

      Malaysia hiện đang là nước điều phối quan hệ ASEAN-GCC trong năm 2023.
  
     * Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC: Tăng cường đối thoại

     Ngày 20/10/2023 sẽ diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN-GCC tại Riyadh (Saudi Arabia), đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao của ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990.

     Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Xung đột giữa Hamas và Israel ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Đông, cùng với đó là xung đột Nga-Ukraine kéo dài, cạnh tranh nước lớn gia tăng, quyết liệt, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng tăng… ảnh hưởng đa chiều, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những tác động sâu rộng, hệ lụy lâu dài.

      Trong bối cảnh đó, đối thoại và hợp tác trở thành nhu cầu cấp thiết của các nước, nhất là những nước vừa và nhỏ. ASEAN chủ trương vừa làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước lớn, vừa mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực trên thế giới. Có thể kể đến như việc thời gian qua, ASEAN đã tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt với Trung Quốc (tháng 11/2021), hội nghị cấp cao đặc biệt với Hoa Kỳ (tháng 5/2022), hội nghị cấp cao kỷ niệm với Liên minh châu Âu (EU) (tháng 12/2022)… Đây là những hoạt động nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững và cũng là để mở rộng tầm ảnh hưởng, xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác.

     Dự kiến tại Hội nghị cấp cao lần đầu tiên này,  các Lãnh đạo cấp cao ASEAN và GCC sẽ cùng thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác hai bên thời gian qua và đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC thời gian tới, dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

      * Việt Nam đóng góp hiệu quả, thực chất vào quan hệ ASEAN-GCC

     Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên GCC.

     Năm 2018, Việt Nam từng đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-GCC, thúc đẩy tổ chức và cùng Kuwait, nước Chủ tịch GCC năm 2018, đồng chủ trì thành công Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-GCC (tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/9/20218) bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73.

      Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả 6 nước thành viên GCC (gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman).  Cả 6 nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên tại Trung Đông-châu Phi của Việt Nam với quan hệ trải rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, lao động…

     Việt Nam đã mở Đại sứ quan tại 4 nước GCC (gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE) và 4 nước này cũng đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Việt Nam và GCC thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp khác nhau và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

     Về kinh tế, UAE, Saudi Arabia, Kuwait là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.

    Hiện tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD. Có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Việt Nam hiện đang thúc đẩy đưa lao động có tay nghề cao sang các nước GCC…/.

     Trọng Đức (tổng hợp)