Hội Nghị cấp cao Nhân dân Đông Dương (24-25/4/1970)

Bước sang năm 1970, để tạo điều kiện thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang gặp khó khăn và thực hiện chiến lược Đông Dương hoá chiến tranh, Mĩ tăng cường chiến tranh ở Lào và mở rộng xâm lược Campuchia. Ở Lào, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bạn mở chiến dịch phản công giải phóng hoàn toàn vùng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (xem: Chiến dịch Toàn Thắng, 25.10.1969-25.4.1970), đập tan mọi cố gắng về Quân sự của Mĩ và tay sai ở một địa bàn chiến lược quan trọng, giáng đòn nặng vào âm mưu tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào của đế quốc Mĩ (ở Lào, Mĩ sư dụng cố vấn Quân sự và chi viện hoả lực không quân cho lực lượng thân Mĩ). Tiếp đó ngày 6.3.1970, Mặt trận Lào yêu nước đã đề ra giải pháp chính trị 5 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mĩ, lập lại hòa bình ở Lào, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Ở Campuchia, ngày 18.3.1970 Mĩ ủng hộ Lon Non đảo chính lật đổ Chính phủ Vương quốc Campuchia, với mục tiêu biến nước trung lập này thành thuộc địa kiểu mới. Tiếp đó, Quân đội Mĩ và Quân đội Sài Gòn xâm lược Campuchia, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương với âm mưu nối liền các chính quyền thân Mĩ ở Sài Gòn, Viêng Chăn, Phnôm Pênh thành một trục, nhằm chia cắt Đông Dương, cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu khẩn thiết là phải tăng cường khối đoàn kết chiến đấu ba dân tộc Đông Dương. Hội Nghị Cấp Cao Nhân Dân Đông Dương được tiến hành trong hai ngày (24-25.4.1970). Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đoàn đại biểu Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu, đoàn đại biểu Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Xuvanuvông dẫn đầu và đoàn đại biểu Mặt trận Thống nhất dân tộc và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia do Quốc vương Xihanúc dẫn đầu. Tham dự Hội nghị còn có Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Chu Ân Lai. Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu nêu bật thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở ba nước và tình hình nghiêm trọng do sự can thiệp Quân sự của Mĩ; từ đó, xác định Hội nghị cấp cao của nhân dân ba nước Đông Dương cần tăng cường đoàn kết để kiên trì và đẩy mạnh chiến đấu, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Hội nghị phê phán Mĩ phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương (1954) và Hiệp định Giơnevơ về Lào (1962), đe dọa hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, lên án Mĩ tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến tranh đặc biệt ở Lào, gây đảo chính ở Campuchia (18.3.1970).

Hội nghị thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới sự nghiệp Kháng Chiến Chống Mĩ và nhất trí ra tuyên bố chung, xem như cương lĩnh đấu tranh chung của nhân dân ba nước Đông Dương. Tuyên bố chung của Hội nghị khẳng định mục tiêu chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập, hoà bình, trung lập, không để nước ngoài có quân đội hay lập căn cứ Quân sự trên đất mình, hoặc dùng lãnh thổ nước mình để xâm lược nước khác, không tham gia liên minh quân sự; ba nước quan hệ theo năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, không xâm lược nhau, tôn trọng chế độ chính trị của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Để đạt tới mục tiêu đó, các bên cam kết hết lòng ủng hộ lẫn nhau theo yêu cầu của mỗi bên và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, quyết tâm bảo vệ và phát triển tình - hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước, trước mắt cũng như lâu dài, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của tình đoàn kết gắn bó giữa Cách Mạng và nhân dân ba nước Đông Dương.

Hội Nghị Cấp Cao Nhân Dân Đông Dương phản ánh những thắng lợi quan trọng về Quân Sự và chính trị của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ và các chính quyền phản động thân Mĩ; thể hiện nhân dân các nước Đông Dương đã nhận thức sâu sắc rằng vận mệnh của ba nước Đông Dương gắn bó chặt chẽ với nhau: không nước nào có thể sống yên ổn, tự do khi lãnh thổ của nước kia còn bị đế quốc xâm lược. Thành công của Hội nghị góp phần làm thất bại âm mưu chia rẽ ba nước Đông Dương của Mĩ và các thế lực phản động khác, cổ vũ quyết tâm đoàn kết chống Mĩ của nhân dân ba nước Đông Dương.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)