Hội nghị Diên Hồng (1285)

Sau Hội nghị Bình Than (1282), công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược được đẩy mạnh. Quân triều đình, quân địa phương và quân các vương hầu được tăng cường nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Nhiều cuộc diễn tập, duyệt binh lớn được tổ chức để rèn quân và biểu dương lực lượng, gây dựng lòng tin cho nhân dân. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với vai trò Quốc công tiết chế công bố bài Hịch tướng sĩ, văn kiện khích lệ, phát huy khí thế chiến đấu của quân đội, có tác dụng động viên, cổ vũ đối với dân chúng.
Cuối 1282, Nhà Nguyên cử Toa Đô dẫn một đạo quân vượt biển đánh chiếm Chămpa, nhằm thực hiện ý đồ hình thành mũi tiến công từ phía nam đánh lên phối hợp với đại quân ở phía bắc đánh xuống. Tuy bị nhân dân Chămpa với sự trợ giúp của Nhà Trần đánh bại, Toa Đô vẫn chiếm giữ được vùng Ô Lý - Việt Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) chờ ngày tiến công vào Đại Việt. Đến 7.1284, Hốt Tất Liệt phong cho con là Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, thống lĩnh đội quân xâm lược Đại Việt. Một tháng sau, đại quân của Thoát Hoan lên đường, cuối tháng 12.1285 đã tiến gần đến biên giới nước ta.
Tháng Chạp năm Giáp Thân (1.1285), Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông mời đại diện các bô lão trong cả nước về kinh thành Thăng Long đặt tiệc ở điện Diên Hồng, hỏi kế đánh giặc. Trả lời câu hỏi của nhà vua là nên đánh hay không, các bô lão đã đồng tâm quyết chiến để bảo vệ Tổ quốc khi đồng thanh hô “đánh”, “muôn người cùng nói, như từ một miệng”. Đó là quyết tâm của toàn dân mà các bô lão là đại diện đã biểu thị với triều đình.
Sau Hội nghị, chính các bô lão là những người truyền đạt lại chủ trương kháng chiến của triều đình tới toàn thể dân chúng. Đó là tinh thần quyết tâm đánh giặc, nếu sức chưa địch nổi thì được lẩn tránh vào rừng núi, cấm đầu hàng; tuyệt đối thực hiện kế “vườn không nhà trống”; tham gia các đội dân binh sẵn sàng phối hợp chiến đấu với Quân đội triều đình.
Hội nghị Diên Hồng là hình thức Hội nghị đại biểu nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần II nói riêng, Kháng chiến chống Mông - Nguyên (thế kỉ 13) nói chung. Cùng với các hoạt động chuẩn bị kháng chiến về mặt Quân sự, các hoạt động như Hội nghị Diên Hồng đã khơi dậy được lòng yêu nước truyền thống của dân tộc, từng bước biến quyết tâm kháng chiến của triều đình, giới vương hầu quý tộc thành quyết tâm kháng chiến của các bô lão và của toàn dân.   

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)