Hội nghị được tiến hành trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển to lớn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công khiến cho Chủ nghĩa Tư bản không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới; đồng thời thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện thế giới, thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, đe doạ sự tồn tại của Chủ nghĩa Tư bản. Bên cạnh đó, do hậu quả của Chiến tranh thế giới lần 1, tương quan lực lượng giữa các nước tham chiến đã có sự thay đổi căn bản, trong đó ba nước đế quốc lớn Đức, Áo - Hung và Thổ Nhĩ Kì bị bại trận và suy yếu, tan rã; các nước thắng trận Anh, Pháp, Italia, Nhật cũng bị suy yếu nghiêm trọng. Chỉ riêng Mĩ, do tham gia chiến tranh muộn nên không những ít chịu tổn thất, mà còn thu được những lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán vũ khí, cho vay tài chính, đã vươn lên thành quốc gia hàng đầu về kinh tế, tài chính, Quân sự, trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng sau chiến tranh và là chủ nợ của các nước châu Âu. Với những lí do trên, các cường quốc thắng trận đều có chung ý đồ và tham vọng sắp xếp lại trật tự thế giới sau chiến tranh, nhưng mỗi nước đều có những toan tính riêng, đều muốn giành những quyền lợi tối đa và bảo đảm địa vị ưu thế của mình trong trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, mục tiêu của giới cầm quyền các nước tư bản tham gia Hội nghị đều có một điểm chung là tìm cách đàn áp và chống lại phong trào Cách mạng thế giới.
Hội nghị diễn ra từ 18.1.1919 đến 21.1.1920, với sự tham gia của đại diện gần 30 nước. Những quốc gia tham gia hội nghị được chia thành bốn nhóm. Nhóm thứ nhất là “nhóm các nước được hưởng quyền lợi toàn diện”, được quyền tham gia tất cả các phiên của hội nghị gồm Mĩ, Anh, Pháp, Italia, Nhật. Nhóm thứ hai là “nhóm các nước chỉ được hưởng quyền lợi cục bộ”, gồm những quốc gia từng tham chiến trong khối “Hiệp ước” như Trung Quốc, Bỉ, Braxin, Xecbi, Hi Lạp và một số lãnh địa tự trị của Anh (Ôxtrâylia, Canada, Liên bang Nam Phi, Niu Dilân và Ấn Độ). Nhóm thứ ba là “nhóm các nước từng cắt đứt quan hệ với Đức - Áo” gồm Êcuađo, Pêru, Bôlivia, Urugoay. Các nước thuộc nhóm hai và ba chỉ được dự các phiên họp có liên quan đến vấn đề quốc gia của họ. Cuối cùng là “nhóm các nước trung lập”, chỉ được dự Hội nghị khi được một trong năm nước thuộc nhóm thứ nhất mời để phát biểu trực tiếp những vấn đề có liên quan. Đức và các nước Đồng minh chỉ bắt đầu tham gia từ 7.5.1919, khi Hội nghị đưa ra các dự thảo Hiệp ước Hòa bình với họ. Nước Nga Xô viết không được mời tham gia Hội nghị, mặc dù là nước tham gia liên minh với Anh, Pháp trong Chiến tranh thế giới lần 1, do đã kí riêng với phe Liên minh (Đức, Áo - Hung, Bungari, Thổ Nhĩ Kì) Hòa ước Bret - Litôp nhàm rút khỏi Chiến tranh thế giới lần 1. Trên thực tế, Hội nghị do hội đồng nguyên thủ ba quốc gia gồm Tổng thống Mĩ Uynsơn (Thomas Woodrow Wilson), Thủ tướng Anh Gioocgiơ (David Lloyd George) và Thủ tướng Pháp Clêmăngxô (Georges Benjamin Clemenceau) nắm quyền quyết định.
Tại các khoá họp, vấn đề hoà bình với Đức trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi và kéo dài thời gian nhất. Hai nước Anh và Mĩ giữ quan điểm ôn hoà, trong khi Pháp có lập trường cứng rắn đối với Đức. Mục đích của Pháp là nhằm hạ thấp vị thế của Đức để giành vị trí thống trị ở châu Âu. Về vấn đề biên giới Ba Lan, các cuộc thảo luận cũng diễn ra hết sức gay gắt, trong đó quan điểm của Pháp là muốn thành lập một nhà nước Ba Lan hùng mạnh, có đường biên giới như đã từng có từ năm 1772 và Ba Lan sẽ trở thành đồng minh của Pháp để khống chế Đức và nước Nga Xô viết. Ngoài ra, tại Hội nghị, vấn đề hoà bình với các nước Đồng minh của Đức, cùng với vấn đề giải trừ quân bị và bồi thường chiến tranh cũng được đưa ra thảo luận trong nhiều khoá họp. Mặc dù còn tồn tại những bất đồng, cuối cùng các nước cũng thông qua được một số văn kiện quan trọng.
Nghị quyết thành lập Hội Quốc liên và điều lệ của hội, khẳng định Hội Quốc liên là tổ chức nhằm phát triển sự hợp tác, đảm bảo hoà bình và an ninh cho các dân tộc. Để thực hiện được các mục tiêu đó, các nước tham gia phải tuân thủ các nguyên tắc: không dùng chiến tranh để giải quyết các mối quan hệ; quan hệ quốc tế phải rành mạch và dựa trên những cam kết quốc tế... Về mặt tổ chức, Hội Quốc liên gồm những nước sáng lập, những nước kí vào nghị quyết thành lập và những nước được kết nạp nếu tán thành mục đích, tôn chỉ của hội; cơ quan lãnh đạo gồm cơ quan chung và cơ quan chuyên môn. Cơ quan chung là Đại hội đồng, gồm đại biểu tất cả các nước hội viên, mỗi năm họp một lần vào tháng 9; Hội đồng thường trực gồm 5 thành viên sáng lập và ban thư kí, một năm họp 3 lần. Các cơ quan chuyên môn gồm Toà án quốc tế và Tổ chức Lao động Quốc tế.
Hoà ước Vecxây với Đức, gồm ba loại điều khoản về lãnh thổ, đảm bảo an ninh và bồi thường chiến tranh. Về vấn đề lãnh thổ, theo các điều khoản của Hiệp ước, ranh giới phía tây của Đức là ranh giới có từ 1870 đến 1871. Đức phải trả vùng Tây Andat và Loren (Alsace - Lorraine) cho Pháp; hạt Manmađi và Âypen cho Bỉ; vùng Bắc Sơletuyt (Schleswig) cho Đan Mạch; vùng Pôdơnan (Poznan) và một phần vùng Pômôrie (Pomerania) cùng hành lang chạy ra biển cho Ba Lan. Riêng hải cảng Gơđanxcơ (Gdansk), hạt Xarơ và đảo Hengôlan sẽ do Hội Quốc liên quản trị; vùng Đông Phổ tách ra khỏi nước Đức và các thuộc địa của Đức sẽ trở thành đất “ủy trị” của Hội Quốc liên và giao cho các nước lớn chiến thắng quản lí. Một số vùng khác sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định (như vùng Thượng Xilêdi, hạt Xarơ...). Về vấn đề bồi thường chiến tranh, hoà ước quy định Đức phải giao nộp toàn bộ thương thuyền tải trọng từ 1.600 tấn trở lên, 1/4 số tàu đánh cá và 1/5 tàu sông; trong vòng 5 năm phải đóng cho các nước “Hiệp ước” loại tàu 1 nghìn tấn và trong vòng 10 năm phải cung cấp một số lượng lớn than đá, máy móc, sản phẩm hoá công nghiệp cho Pháp và Bỉ. Ngoài ra, Đức còn phải bồi thường 20 tỉ mác vàng và chi trả toàn bộ chiến phí cho lực lượng Đồng minh chiếm đóng tại Đức.
Về quân sự, Đức phải bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, giải thể Bộ Tổng tham mưu và các trường quân sự; hạn chế lực lượng lục quân xuống còn 100 nghìn quân, trong đó số lượng sĩ quan không vượt quá 4 nghìn người; cấm Đức sử dụng các loại đại bác hạng nặng, xe tăng, máy bay quân sự và chỉ được giữ lại 280 khẩu đại bác dã chiến. Đối với lực lượng hải quân, Đức chỉ được giữ lại 6 tàu tuần dương hạng nhẹ, 12 tàu khu trục và 12 tàu phóng lôi, không có quyền sở hữu tàu ngầm, lực lượng hải quân không vượt quá 1.500 quân; các tàu chiến Đức đang hoạt động ngoài hải phận Đức phải nộp cho các nước Đồng minh để phá huỷ. Đức phải phá bỏ tất cả các công sự trong phạm vi 50 km về phía đông sông Ranh, nhưng các công trình quân sự quan trọng ở phía đông và phía nam vẫn phải tiếp tục duy trì. Cấm Đức sản xuất các loại vũ khí, cấm chuyên chở vũ khí, trang bị chiến tranh vào Đức; quân Đức đang chiếm đóng tại nước ngoài phải lập tức rút về nước. Các nước “Hiệp ước” sẽ thành lập ủy ban chuyên trách để giám sát việc thực thi các điều khoản nói trên. Với hoà ước này, Đức mất 1/8 diện tích đất đai, gần 1/12 dân số, 1/3 mỏ sắt và than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt...
Ngoài các văn kiện quan trọng trên, Hội nghị Hòa bình Pari còn kí kết và chuẩn bị điều kiện cho việc kí kết Hiệp ước Hòa bình với các nước Đồng minh của Đức. Hiệp ước Hòa bình Xanh Giecmanh với Áo kí ngày 10.9.1919, quy định Áo và Hunggari được chia thành hai nước độc lập, trong đó Áo phải cắt đất cho Ba Lan, Nam Tư, Tiệp Khắc, Italia và phải xoá bỏ chế độ trưng binh, Quân đội không được vượt quá 30 nghìn quân; chỉ cho phép Áo giữ lại

3 tàu chiến để tuần tra trên sông Đanuyp, số tàu thuyền còn lại cũng như các loại trang bị đều do các nước hiệp ước xử lí. Với hiệp ước này, Áo chỉ còn giữ lại được 1/4 đất đai. Hiệp ước Hòa bình Nâyxki với Bungari kí ngày 27.11.1919, quy định Bungari phải trả hết các vùng đất chiếm được trong cuộc chiến Bancăng và trong Chiến tranh thế giới lần 1; Bungari phải xoá bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, lực lượng lục quân không vượt quá 20 nghìn quân, không có hải quân và không quân; phải bồi thường chiến tranh 445 triệu đô la Mĩ, bắt đầu trả từ năm 1921 và phải trả hết trong vòng 37 năm. Hiệp ước Hòa bình Trianon với Hunggari kí ngày 4.6.1920, quy định Hunggari chỉ được giữ lại 350 nghìn quân, phải bồi thường 220 triệu phrăng vàng; sáp nhập vùng Xlôvenxcô và vùng Ocraina nằm phía ngoài dãy núi Cacpat vào Tiệp Khắc; sáp nhập vùng Crôatia - Xlôvenia và phía tây Patna vào Nam Tư; vùng phía đông Patna và Transivania vào Rumani. Như vậy, lãnh thổ Hunggari bị thu hẹp 92 nghìn km2 và chỉ còn lại 28,5% diện tích với 8 triệu dân. Hiệp ước Xevơrơ với Thổ Nhĩ Kì kí ngày 10.8.1920, quy định Xiri, Libăng đặt dưới sự ủy trị của Pháp; Palextin và Irăc tách khỏi Thổ Nhĩ Kì và đặt dưới sự ủy trị của Anh; Ai Cập chịu sự bảo hộ của Anh, bán đảo Arập thuộc phạm vi ảnh hưởng của Anh; phần đất châu Âu của Thổ Nhĩ Kì phải cắt cho Hi Lạp. Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kì bị hạn chế chỉ còn 50 nghìn quân và chỉ được giữ lại 6 khu trục hạm, 7 tuần dương hạm, không có không quân và pháo binh. Với hiệp ước này, Thổ Nhĩ Kì mất 4/5 lãnh thổ.
Những hiệp ước kí kết trên đây tạo thành hệ thống Hoà ước Vecxây. Đó là những văn bản chính thức đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần 1 xác định việc phân chia và tổ chức lại trật tự thế giới giữa các nước đế quốc thắng trận. Tuy nhiên, hệ thống Hoà ước Vecxây không thoả mãn được tham vọng của các nước đế quốc, vì vậy không đảm bảo được hoà bình cho các dân tộc, không xoá bỏ được nguyên nhân dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)