Hội nghị Pari về Campuchia (1989-91)
Hội nghị bàn về giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - lêng Xari bị đánh đổ.
Sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - lêng Xari bị đánh đổ, vấn đề Campuchia cũng như việc giải quyết vấn đề Campuchia được quốc tế hóa cao. Từ giữa những năm 1980, các cuộc đàm phán quốc tế song phương và đa phương đều đề cập vấn đề Campuchia gồm hai mặt: nội bộ và quốc tế. Hai mặt của vấn đề này đan xen nhau, liên quan trước hết đến lợi ích của nhân dân Campuchia và các lực lượng chính trị Campuchia, đồng thời cũng quan hệ đến một giải pháp lâu dài về Campuchia, phù hợp với lợi ích hòa bình, ổn định trên bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, việc đàm phán, giải quyết song phương khó có thể đạt được một giải pháp toàn diện và phải giải quyết thông qua một hội nghị quốc tế. Từ ngày 30.7 đến 30.8.1989, với 2 đồng chủ tịch là ngoại trưởng Pháp và ngoại trưởng Inđônêxia, một hội nghị quốc tế về Campuchia đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế phố Klebơ (Kleber, Pari Pháp). Tham gia Hội nghị có đại diện của 4 phái Campuchia (Hunxen, Khơme Đỏ, Xihanuc và Son San), các đoàn đại biểu của 17 nước (Liên Xô, Trung Quốc, Mĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Canada, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Inđônêxia, Xingapo, Malaixia, Philippin, Brunây) do bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu; đại diện phong trào không liên kết (Dimbabuê và Nam Tư) cũng được mời tham dự. Hội nghị không đạt được kết quả về một giải pháp toàn bộ, chủ yếu do các bên chưa nhất trí về vấn đề phân chia quyền lực ở Campuchia. Các cuộc thương lượng tại Pari 30.7-30.8.1989 được coi là vòng 1 của Hội nghị Pari về Campuchia và 21-23.10.1991 là vòng 2. Ngoài thành phần như vòng 1, tham gia vòng 2 hội nghị còn có đại diện Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia, đại biểu Nam Tư, Tổng thư kí Liên hiệp Quốc và đại diện đặc biệt của Tổng thư kí Liên hiệp Quốc. Hội nghị tổ chức thành 3 Ủy ban làm việc: Ủy ban 1 giải quyết các vấn đề Quân sự, Ủy ban 2 giải quyết vấn đề bảo đảm quốc tế và Ủy ban 3 giải quyết vấn đề hồi hương người tị nạn, li tán và việc tái thiết Campuchia. Hội nghị cũng thiết lập một Ủy ban đặc biệt bao gồm các đại diện của bốn bên Campuchia và do các đại diện của hai đồng chủ tịch Hội nghị chủ trì để giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa giải dân tộc giữa các bên Campuchia. Tối 23.10.1991, đại diện bốn bên Campuchia, bộ trưởng ngoại giao 17 nước và Tổng thư kí Liên hiệp Quốc đã lần lượt kí vào bản Hiệp định Pari về Campuchia. Hiệp định gồm các văn kiện chính: 1) Định ước cuối cùng của Hội nghị Pari về Campuchia; 2) Hiệp định về một giải pháp chính trị toàn bộ cho cuộc xung đột Campuchia; 3) Hiệp định liên quan đến chủ quyền, độc lập, toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ, trung lập và thống nhất dân tộc của Campuchia; 4) Tuyên bố về phục hồi và tái thiết Campuchia.
Hiệp định về một giải pháp chính trị toàn bộ cho cuộc xung đột Campuchia gồm 9 phần, 32 điều và 5 phụ lục. 9 phần gồm: 1) Những dàn xếp trong thời kì quá độ; 2) Nhân dân Campuchia có quyền quyết định tương lai chính trị của mình thông qua bầu cử tự do và công bằng để lập Quốc hội lập hiến, quốc hội sẽ soạn thảo và thông qua hiến pháp và chuyển thành quốc hội lập pháp, lập ra chính phủ mới của Campuchia. Cuộc bầu cử này sẽ được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Quốc. Tất cả các bên kí cam kết tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử này; 3) Mọi người ở Campuchia và tất cả người Campuchia tị nạn và li tán được hưởng các quyền tự do. Campuchia cam kết bảo đảm tôn trọng và thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở Campuchia; 4) Campuchia cam kết duy trì, gìn giữ bảo vệ các bên kí kết khác cam kết công nhận và tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ, trung lập và thống nhất dân tộc của Campuchia; 5) Những người Campuchia tị nạn và li tán hiện đang ở ngoài Campuchia có quyền trở về Campuchia; 6) Việc thả tất cả tù binh chiến tranh và thường dân bị giam giữ sẽ được hoàn tất vào thời gian sớm nhất có thể được; 7) Những nguyên tắc cho một hiến pháp của Campuchia; 8) Phục hồi và tái thiết Campuchia; 9) Những điều khoản cuối cùng. Năm phụ lục gồm: 1) Quyền hạn của Cơ quan quyền lực quá độ của Liên hiệp Quốc ở Campuchia (UNTAC); 2) Rút quân, ngừng bắn và các biện pháp liên quan; 3) Bầu cử; 4) Hồi hương của những người Campuchia tị nạn và li tán; 5) Các nguyên tắc của một hiến pháp mới của Campuchia.
Nội dung cơ bản của Hiệp định: Công nhận và khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập và thống nhất dân tộc Campuchia. Công nhận Hội đồng Dân tộc tối cao (SNC) là cơ quan hợp pháp duy nhất và là nguồn quyền lực thể hiện chủ quyền, độc lập và thống nhất của Campuchia trong suốt thời kì quá độ từ khi Hiệp định có hiệu lực đến khi quốc hội lập hiến thông qua hiến pháp và lập ra một chính phủ mới. Trong suốt thời kì quá độ, SNC sẽ đại diện cho Campuchia với bên ngoài và giữ ghế của Campuchia tại Liên hiệp Quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp Quốc và tại các tổ chức quốc tế và Hội nghị quốc tế. SNC giao cho Liên hiệp Quốc tất cả quyền lực cần thiết để bảo đảm việc thi hành hiệp định. Thành lập Cơ quan Quyền lực quá độ của Liên hiệp Quốc ở Campuchia (UNTAC) để kiểm soát, quản lí các ngành ngoại giao, quốc phòng, tài chính, an ninh công cộng và thông tin. Quy định tổ chức tổng tuyển cử tự do dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Quốc để bầu Quốc hội lập hiến. Quốc hội sẽ soạn thảo hiến pháp, lập ra Chính phủ mới của Campuchia. Khi có chính phủ mới, thời kì quá độ chấm dứt, UNTAC hết nhiệm vụ. Sau khi Hiệp định có hiệu lực sẽ rút hết tất cả lực lượng cố vấn, nhân viên Quân sự nước ngoài khỏi Campuchia và không được đưa trở lại nước này; ngừng ngay lập tức các viện trợ Quân sự bên ngoài cho tất cả các bên Campuchia. Mọi người ở Campuchia và tất cả người Campuchia tị nạn và li tán được hưởng các quyền con người và quyền tự do. Campuchia cam kết bảo đảm tôn trọng và thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở Campuchia. Hiệp định về chủ quyền, độc lập, toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ, trung lập và thống nhất dân tộc của Campuchia nêu: Campuchia cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ của các quốc gia khác, không sử dụng lãnh thổ của mình hay để nước khác sử dụng lãnh thổ của mình làm căn cứ chống nước khác, giải quyết mọi tranh chấp với nước khác bằng phương pháp hòa bình. Các nước kí hiệp định cũng cam kết tôn trọng độc lập, toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ, trung lập và thống nhất dân tộc của Campuchia và giải quyết các tranh chấp với Campuchia bằng thương lượng hòa bình và kêu gọi các nước cũng tôn trọng các quyền dân tộc, trung lập của Campuchia. Tuyên bố về phục hồi và tái thiết Campuchia, nêu mục tiêu của việc tái thiết Campuchia là sự tiến lên của đất nước và nhân dân Campuchia, không có sự phân biệt, thành kiến và với sự tôn trọng hoàn toàn nhân quyền, quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người. Trách nhiệm chính trong việc quyết định các nhu cầu và kế hoạch tái thiết thuộc về nhân dân Campuchia. Liên hiệp quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi và tái thiết Campuchia.
Hội nghị về Campuchia với việc kí hiệp định về một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia đã tạo thuận lợi cho bước tiến mới của nhân dân Campuchia trên con đường xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ đất nước độc lập, tự do, hòa bình, trung lập. Hội nghị về Campuchia cũng mở ra một kỉ nguyên hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á; chính thức chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Việt Nam với các nước đã lợi dụng vấn đề Campuchia để thực hiện chính sách bao vây, cấm vận và làm suy yếu Việt Nam; nhân dân Việt Nam có thêm điều kiện để tập trung phát triển và bảo vệ đất nước.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)