Hội nghị Phôngtennơblô (6/7-13/9/1946)

Sau khi Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp (6.3.1946) được kí kết, Quân đội Pháp được vào Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), Lạng Sơn, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng để thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc. Nhưng các thế lực hiếu chiến trong chính giới Pháp âm mưu phá hoại hiệp định, đồng thời ráo riết chuẩn bị lực lượng để khi có điều kiện tiến hành lật đổ Chính phủ Việt Nam. Nắm được âm mưu của thực dân Pháp, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ra sức đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải mở cuộc đàm phán chính thức như Hiệp định sơ bộ đã quy định.
Trước sức mạnh đấu tranh của ta và sự ủng hộ rộng rãi của dư luận, Chính phủ Pháp buộc phải mở hội nghị đàm phán chính thức với Việt Nam tại Pari, nhưng đề nghị tổ chức thêm một hội nghị trù bị ở Đà Lạt. Ngày 6.7.1946, cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp khai mạc tại lâu đài Phôngtennơblô, cách Pari khoảng 60 km. Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị có: Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, các thành viên: Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc. Đoàn đại biểu Pháp có: Trưởng đoàn Mac Anđrê (Max André), các thành viên: Pinhông (Pignon); Tôren (Torel); Gônông (Gonon); Mexme (Mesmer); Buôcgoanh (Bourgoin); Đacxi (Darcy); Bacgrô (Baijot); Xalăng; Lôxơray (Loseray); Giuglat Calêy (Juglas Gallej).


Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tham dự Hội nghị Phôngtennơblô 

Sau phiên khai mạc, trong các phiên tiếp theo, Hội nghị đã bàn các vấn đề: địa vị của Việt Nam trong Khối liên hiệp Pháp và các mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, tổ chức Liên bang Đông Dương; vấn đề thống nhất ba kì và việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; những vấn đề về kinh tế, văn hóa và văn bản dự thảo Hiệp định.

Sau ba tuần, Hội nghị vẫn không đạt được tiến bộ do lập trường khác nhau của hai bên. Phái đoàn Việt Nam trước sau như một giữ vững lập trường quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, muốn giải quyết mối quan hệ với Pháp trên cơ sở hòa bình, tôn trọng, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Về chính trị, những mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp là mối quan hệ hợp đồng, được xác định qua con đường hiệp ước, trên nền tảng tự do gia nhập, quy chế bình đẳng, đoàn kết bảo vệ quyền lợi chung, về ngoại giao, Việt Nam có một nền ngoại giao riêng, có quyền trao đổi ngoại giao với nước ngoài, có quyền cử đại diện riêng tại Liên hiệp quốc. Về quân sự, trong bất cứ điều kiện nào (thời bình hay thời chiến), quân đội Việt Nam vẫn dưới sự chỉ huy của Chính phủ Việt Nam. Về kinh tế, chấp nhận cho người Pháp được hưởng quyền cư trú ở Việt Nam và có quyền lợi kinh tế khác biệt so với người Việt Nam, nhưng phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam. Về vấn đề Nam Bộ và trưng cầu dân ý, giữ vững lập trường Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền và không có lực lượng nào có quyền chia cắt Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, phái đoàn Pháp yêu cầu Việt Nam phải “tự nguyện” gia nhập Khối liên hiệp Pháp theo hệ thống hai cấp chặt chẽ với sự khống chế của Pháp trên tất cả các mặt: ngoại giao, quân sự, kinh tế... Ngay trong thời gian diễn ra đàm phán, thực dân Pháp ở Đông Dương ráo riết thực hiện âm mưu mở rộng xâm lược trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cao ủy Đacgiăngliơ tuyên bố sẽ triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt vào ngày 1.8, nhằm đặt Hội Nghị Phôngtennơblô trước việc đã rồi.
Tại Phôngtennơblô, phái đoàn Việt Nam phản kháng với đoàn Pháp về việc triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương, tuyên bố tạm thời đình chỉ đàm phán cho đến khi Pháp có thái độ xây dựng. Trước thái độ kiên quyết của phái đoàn Việt Nam và những hoạt động tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm nước Pháp, chiều 10.9, Hội nghị được nối lại. Phía Pháp vẫn tiếp tục phá hoại cuộc đàm phán, đưa ra bản dự thảo hiệp định với những điều khoản không thể chấp nhận được, nên Hội nghị tan vỡ. Ngày 13.9.1946, Đoàn đại biểu Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa lên đường về nước.
Cuộc đàm phán ở Hội Nghị Phôngtennơblô không đi đến kết quả, chứng tỏ Chính phủ Pháp đã quyết định chọn con đường vũ trang xâm lược toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, thông qua đàm phán, Việt Nam làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ nguyện vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của Việt Nam và dã tâm xâm lược của thực dân Pháp.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)