Hội nghị quân sự toàn quốc (19/10/1946)
Do phía Pháp vẫn giữ lập trường thực dân, tiếp tục thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, nên Hội nghị Phôngtennơblô (6.7-13.9.1946) thất bại. Sau cuộc đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước Việt - Pháp (14.9.1946), nhằm tranh thủ thời gian để chuẩn bị kháng chiến. Trong thời gian này, quân Pháp liên tiếp có những hành động khiêu khích và lấn chiếm ở nhiều địa phương khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Trước nguy cơ chiến tranh đang đến gần, ngày 19.10.1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội Nghị Quân Sự Toàn Quốc, chuẩn bị lực lượng và bàn biện pháp đối phó với quân Pháp. Dự Hội nghị có các ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy hội, cán bộ Quân sự, chính trị chủ chốt ở các khu; Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì.
Từ nhận định không sớm thi muộn Pháp sẽ đánh Việt Nam và nhân dân Việt Nam nhất định phải kháng chiến, Hội nghị quyết định: gấp rút tăng cường lực lượng về mọi mặt, đặc biệt là Lực lượng Vũ trang; nhấn mạnh xây dựng Lực lượng Vũ trang về chính trị, chỉnh đốn cơ quan chỉ huy, xây dựng các ngành quân nhu, quân giới, quân y; chú trọng giáo dục tình hình, nhiệm vụ, tăng cường đoàn kết, kỉ luật, giữ gìn bí mật; phát triển đảng, kiện toàn chế độ chính trị viên và cơ quan công tác chính trị, điều chỉnh cán bộ, thống nhất chương trình huấn luyện, lập cơ quan chuyên trách công tác cán bộ.
Về thống nhất cơ quan chỉ huy (quân ủy và quốc phòng), Hội nghị đề ra những giải pháp khắc phục khó khăn: phải đổi mới và chỉnh đốn các cơ quan chỉ huy, tác phong làm việc theo nguyên tắc chính quy, giáo dục cho nhân viên và binh sĩ biết giữ bí mật trong công việc, về vấn đề cán bộ, Hội nghị chỉ rõ cán bộ tuy có tiến bộ nhưng thường phạm phải tính quan liêu, tính đảng kém, trình độ văn hoá thấp chưa đáp ứng kịp thời tình hình đất nước. Theo chỉ thị của Trung ương, cán bộ phải học tập để nâng cao kiến thức và năng lực làm việc, về bộ đội và dân quân, Hội nghị quyết định giảm quân số, nhưng phải củng cố các đội cảnh vệ và tự vệ; mở trường huấn luyện cán bộ và dân quân; nâng cao chất lượng cho bộ đội bằng tài liệu và chương trình huấn luyện, về quân nhu, vũ khí, quân y: 1) về quân nhu: yêu cầu với Bộ Tài chính giản đơn trong việc thanh toán bằng giấy tờ; sửa lại sắc lệnh, Bộ Tài chính chỉ tiến hành phát tiền, còn thu tiền sẽ do Bộ Quốc phòng. Những nơi đắt đỏ thì theo thời giá tăng thêm, số tiền Bộ Quốc phòng phát ra phải phát hết cho bộ đội. Những nơi bộ đội đóng quân, lấy đại đội độc lập làm đơn vị, bắt buộc phải tham gia sản xuất. Mở lớp huấn luyện quân nhu để nâng cao trình độ. 2) về vũ khí: tìm cách phân phối vũ khí cho họp lí, các nhà máy chế tạo phải thống nhất về kế hoạch sàn xuất; thu hút những nhân tài chuyên môn. 3) về quân y: định rõ mối quan hệ giữa bộ đội và quân y; cần đào tạo những bác sĩ chuyên môn trong bộ đội để phục vụ công tác khám, chữa bệnh; kiểm tra thuốc do quân y phát cho bộ đội.
Về công tác chính trị: Ở nhiều khu, thành tích chính trị rất khả quan, tinh thần bộ đội cao, được nhân dân tín nhiệm, công tác chính trị đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn khó khăn là do nỗ lực của các chính trị viên. Từ đó, Hội nghị quyết định chỉnh đốn Cục Chính trị, quy định chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị, chế độ hội nghị chính trị viên hàng tháng, mở trường huấn luyện chính trị viên, chấn chỉnh Báo Sao Vàng, tổ chức thư viện trong Quân đội. về đoàn kết, kỉ luật, tăng cường tính đảng: Hội nghị thẳng thắn phê bình và tự phê bình, mỗi đồng chí đã nhận lỗi và những khuyết điểm trong quá trinh hoạt động Cách mạng; hết sức tránh bao biện, vì tính bao biện dẫn tới chù nghĩa cá nhân; phải tôn trọng tập đoàn chỉ huy, phản đối chủ nghĩa phân tán, cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tập thể; tôn trọng kỉ luật của Đảng, tôn trọng bằng cách thi hành những quyết nghị án, phục tùng Trung ương; luôn luôn tự kiểm điểm, thấy có lỗi phải sửa, người khác phê bình mình có lỗi phải thành thật nhận. Cách phê bình cán bộ phải thành khẩn, thanh bạch, khéo léo, mục đích để cứu vãn và nâng đỡ cán bộ về mặt chính trị, cũng như về mặt tư tưởng và công tác. về vấn đề tổ chức đảng trong Quân đội: tổ chức đơn vị, mỗi đại đội hay một cơ quan từ tiểu đoàn bộ trở lên sẽ tố chức một chi bộ. Trong thời gian hai tháng, những đại đội chưa có chi bộ phải tổ chức xong, những đại đội đã có chi bộ phải phát triển tới các trung đội, mồi trung đội một tổ. Hình thức phát triển, bí mật tổ chức những nhóm xung phong trong Quân đội. về kì hạn báo cáo, mỗi tháng một lần các khu ủy phải báo cáo rõ số lượng, chất lượng, thành phần công tác trong khu mình. Công tác chính trị tư tường phải khắc phục tư tưởng “hòa bình chủ nghĩa”, cho rằng kí hiệp định rồi thì không nổ ra chiến tranh nữa. về triển vọng của cuộc kháng chiến, Hội nghị khắng định: Tuy ta còn kém địch về trang bị kĩ thuật, nhưng với tinh thần dẻo dai bền bi, cuộc kháng chiến của quân và dân ta sẽ giành thắng lợi.
Hội nghị quân sự toàn quốc đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, nhiệm vụ trước mắt, đề ra biện pháp thúc đẩy công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang, nêu cao những nguyên tắc, quan điểm của Đảng trong xây dựng Lực lượng Vũ trang Nhân Dân; qua đó củng cố tinh thần, nâng cao sức chiến đấu cho quân và dân, đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng và tổ chức cho việc xây dựng Lực lượng Vũ trang sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)