Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-7/2/1930)

Tại Việt Nam, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa quần chúng nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng gay gắt; phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong các tầng lớp nhân dân dâng cao. Thời gian này, ở Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi. Sau khi ra đời, ba tổ chức cộng sản đều tuyên bổ ủng hộ Quốc tế Cộng sản và tự nhận là Cách mạng chân chính. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng, các tổ chức cộng sản không tránh khỏi tranh giành, công kích lẫn nhau. Tình hình đó dẫn đến sự phân tán trong hành động, làm yếu các lực lượng Cách Mạng và làm lợi cho kẻ thù. Thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng Cách Mạng duy nhất trở thành nhu cầu bức thiết, khách quan của sự nghiệp Cách Mạng Việt Nam. Ngày 27.7.1929, Quốc tế Cộng sản gửi thư yêu cầu các tổ chức cộng sản ở Việt Nam mau chóng thống nhất lại, đồng thời, giao trách nhiệm đó cho Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 1.1930, Nguyễn Ái Quốc đã từ Xiêm (Thái Lan), qua Xingapo đến Hương Cảng (Hồng Kông) triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra từ ngày 3 đến 7.2.1930. Dự Hội nghị có: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng); Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu (đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng), không có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tại phiên họp ngày 3.2, các đại biểu đã nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Bản Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp vô sản chủ trương tiến hành dân quyền Cách Mạng và thổ địa Cách Mạng để đi tới xã hội cộng sản với nhiệm vụ đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến, thực hiện quyền độc lập dân tộc, thành lập Chính phủ công nông binh, tịch thu ruộng đất của đế quốc, phong kiến để chia cho nông dân nghèo; quốc hữu hóa các công ti, mở mang phát triển công nghiệp, nông nghiệp; thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng nam nữ, thi hành luật ngày làm 8 giờ. Để hoàn thành mục tiêu, Đảng chủ trương thu phục đại đa số dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo. Đồng thời, tranh thủ tiểu tư sản, trí thức, trung nông... để lôi kéo họ về giai cấp vô sản; đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ phản Cách Mạng thì phải lợi dụng, hoặc làm cho họ trở thành trung lập; bộ phận nào đã ra mặt phản Cách Mạng thì đánh đổ. Điều lệ vắn tắt của Đảng quy định những người tin theo Chủ nghĩa Cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tê Cộng sản, hăng hái phân đấu, cẩn thận và dám hi sinh phục tùng mệnh lệnh và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một tổ chức đảng thì được kết nạp vào Đảng.

Hội nghị quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo là: Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Phụ nữ Giải phóng, Hội Cứu tế Đỏ và Hội Phản đế Đồng minh. Hội nghị cũng xác định kế hoạch thống nhất các cơ sở đảng trong nước, cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (gồm 7 ủy viên do Trịnh Đình Cửu đứng đầu) và thành lập cơ quan ngôn luận của Đảng. Cuối cùng, Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể nhân dân Việt Nam, nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sau Hội Nghị Thành Lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 24.2.1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp thuận kết nạp tổ chức này vào Đảng. Như vậy, phải đến ngày 24.2.1930, việc hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản thành một chính Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam mới hoàn tất trên thực tế.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến của thời đại, với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trường thành và đủ khả năng đảm nhận vai trò lãnh đạo Cách Mạng Việt Nam. Thông qua chính đảng của mình, giai cấp công nhân có sứ mệnh lãnh đạo toàn thể dân tộc và nhân dân. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng lãnh đạo và đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỉ 20. Với sự ra đời của Đảng, Cách Mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của Cách Mạng thế giới và dân tộc Việt Nam từng bước tiến lên hội nhập vào phong trào Cách Mạng thế giới.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)