Hội nghị trù bị Đà Lạt (19/4-10/5/1946)

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Sau khi Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp (6.3.1946) được kí kết, trong khi phía Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều đã kí thì phía Pháp liên tiếp vi phạm hiệp định. Ở Nam Bộ, Pháp tiếp tục tiến hành các cuộc hành quân bình định và đánh úp nhiều vị trí bộ đội Việt Nam. Ngoài Bắc, Pháp tự ý đưa quân đến đóng những nơi không được quy định; đồng thời tuyên bố: “kí hiệp định sơ bộ là sai lầm”, là “đầu hàng Việt Minh, cũng như Pháp và Anh đầu hàng Đức ở Muynich”. Hiệp định vừa kí kết, mặc dù đã được Chính phủ Phêlich Goanh (Felix Gouin) phê chuẩn ngày 9.3.1946, phe chủ chiến trong chính giới Pháp tìm mọi cách phủ nhận, cố tình xuyên tạc nhiều điều khoản trong Hiệp định và cố ý trì hoãn cuộc đàm phán chính thức ở Pari.

Ngày 13.3.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp yêu cầu mau chóng mở cuộc đàm phán chính thức ở Pari, như Hiệp định sơ bộ đã quy định. Sau đó, Chủ tịch kêu gọi nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân Pháp, hãy vì chính nghĩa mà đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Trước thái độ kiên quyết của Việt Nam và dư luận quốc tế rộng rãi, Chính phủ Pháp buộc phải nhận đàm phán, nhưng đề nghị tiến hành Hội nghị trù bị (Hiệp định sơ bộ không quy định). Ngày 24.3, Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Đacgiăngliơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm ở vịnh Hạ Long thảo luận và thống nhất các vấn đề trước khi tiến hành hội nghị trù bị tại Đà Lạt với điều kiện phái đoàn Pháp phải do Chính phủ cử từ Pháp sang.

Hội nghị khai mạc ngày 19.4.1946 tại Trường Trung học Yecxanh (Đà Lạt). Phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dự Hội nghị gồm: Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp lâm thời), Phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp (Chủ tịch Quân ủy hội), Vũ Văn Hiền (Tổng thư kí phái đoàn), Hoàng Xuân Hãn (Trưởng ban Chính trị), Trịnh Văn Bính (Trưởng ban Kinh tế - Tài chính), Nguyễn Mạnh Tường (Trưởng ban Văn hóa), các phái viên: Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch (sau Hồ Hữu Tường thay), Bùi Công Trừng, Cù Huy Cận, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, ngoài ra tham gia đoàn còn có các cố vấn chuyên môn: Phạm Khắc Hòe (Giám đốc Phòng bí thư của phái đoàn), Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Duy Thanh, các tùy viên Quân Sự: Thiếu tá Kiều Công Cung, Đại úy Nguyễn Văn Phác.

Phái đoàn Pháp gồm: Đacgiăngliơ (Đô đốc, cố vấn phái đoàn), Mac Ăngđrê (Max André, cựu Thống đốc ngân hàng Pháp - Hoa, Trưởng đoàn), Buôcgoanh (Bourgoin, Phó Trưởng đoàn), Pie Metxme (Pierre Messmer, Đổng lí văn phòng Bộ Pháp quốc hải ngoại, Trưởng ban Chính trị), Butxkê (Bousquet, nhân viên Bộ Pháp quốc hải ngoại, phái viên), Đacxy (D’Arcy, Chánh văn phòng Bộ Quân lực, phái viên), Pie Gôru (Pierre Gourou, Trưởng ban Văn hóa), Tôren (Torel, cố vấn pháp luật, nhân viên cao ủy phủ Đông Dương, phái viên), Clarăc (Clarac, cố vấn ngoại giao, phái viên), Gônông (Gonon, cố vấn tài chính), Ne (Ner, cố vấn giáo dục), Gilantôn (Guilanton, cố vấn kinh tế), Xalăng (Thiếu tướng, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, phái viên), Lêông Pinhông (Léon Pignon, cố vấn chính trị của Đacgiăngliơ) và nhiều giám định viên chuyên môn giúp việc.

Trong suốt ba tuần lễ đàm phán, phía Pháp luôn giữ lập trường chia cắt Việt Nam, lập Liên bang Đông Dương, không chịu ngừng bắn, không đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ nhằm thực hiện âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Phía Việt Nam kiên quyết phản đối lập trường và hành động cố tình phá hoại hội nghị của phía Pháp như việc cho mật thám bắt Phạm Ngọc Thạch khi Phạm Ngọc Thạch từ Nam Bộ lên tham gia phái đoàn. Hội nghị không đi đến kết quả, ngày 10.5.1946, phái đoàn Việt Nam rời Đà Lạt ra Hà Nội.

Hội nghị trù bị Đà Lạt tuy không đạt được sự nhất trí giữa hai bên nhưng là bước chuẩn bị cho hội nghị chính thức họp tại Pari. Tại Hội nghị, phía Pháp tỏ rõ lập trường thực dân, hiếu chiến trong khi phái đoàn Việt Nam tỏ rõ thiện chí hòa bình và thái độ cương quyết bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được. 

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)