Hội nghị Trung Giã (4 - 27/7/1954)
Thực hiện thỏa thuận ngày 17.5.1954 giữa Trưởng đoàn đại biểu Pháp Măngđet Phrăngxơ (Pierre Mendès France) và Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Giơnevơ, trong phiên họp thứ 8 ngày 29.5 đã thông qua việc đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội hai nước Việt Nam và Pháp gặp nhau để bàn về vấn đề bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội hai bên ở Việt Nam.
Hội nghị diễn ra tại Trung Giã (huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thị xã Thái Nguyên hơn 30 km về phía nam, nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) bàn những vấn đề về quân sự đã thỏa thuận ở Hội nghị Giơnevơ.
Đoàn đại biểu Quân đội Việt Nam gồm Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng (Trưởng đoàn), Đại tá Song Hào, Đại tá Lê Quang Đạo (Tổng Cục Chính Trị), Trung tá Nguyễn Văn Long (Cục Tác chiến), Trung tá Lê Minh Nghĩa (Cục Quân huấn), Thiếu tá Lưu Văn Lợi làm phiên dịch. Đoàn đại biểu quân đội Pháp gồm Đại tá Lennuyơ (Paul Lennuyeux, Trưởng đoàn), 4 sĩ quan Pháp và 3 sĩ quan tùy tùng người Việt thuộc quân đội của Chính phủ Bảo Đại.
Những nội dung được bàn bạc và thống nhất tại Hội nghị bao gồm: những đề nghị về tất cả các vấn đề quân sự do Hội nghị Giơnevơ đặt ra; biện pháp thực hiện những vấn đề mà Hội nghị Giơnevơ đã thỏa thuận; những vấn đề quân sự khác do tình hình quân sự tại chỗ đặt ra. Ngoài ra, hai bên cũng thỏa thuận một chương trình sẽ được tiếp tục bàn bạc, bao gồm các vấn đề về tù binh; thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết Quân đội; vấn đề thành lập Ủy ban liên hiệp Quân sự hai bên và các vấn đề khác do Hội nghị Ủy ban Quân sự ở Giơnevơ hoặc hội nghị quân sự tại chỗ thấy cần thiết đề ra (cụ thể từ ngày 7 đến 10.7, Hội nghị trao đổi các vấn đề về tù binh; từ ngày 12.7 các tiểu ban nghiên cứu về ngừng bắn làm việc).
Để chủ động đối phó với tình hình trong những ngày diễn ra Hội nghị, Tổng Quân ủy chỉ thị hướng dẫn các chính ủy liên khu và liên khu ủy thực hiện các điều Hiệp định sẽ kí, trong đó chỉ rõ: “Lúc nào cũng cần phải đề cao cảnh giác, phải nhìn rõ bản chất của địch muốn gây chiến, khiêu khích, có thể phản bội lại những điều đã kí kết”. Đồng thời theo chỉ thị của Bộ tổng Tham mưu, nhằm kịp thời phục vụ cho đoàn ta tại Hội nghị, Cục Tác chiến cũng thành lập một tổ nghiên cứu do Trần Văn Nghiên phụ trách, tổ viên là các cán bộ theo dõi chiến trường. Các thành viên trong tổ đã nghiên cứu nắm tình hình bố trí giữa ta và địch; xác định vùng tự do, vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát, tình hình quân sự, đất đai trên bản đồ để cung cấp kịp thời cho đoàn ta đấu tranh với đoàn Pháp.
Sau 23 ngày làm việc, là Hội nghị đã thỏa thuận các thủ tục và biện pháp về ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường, trao trả tù binh, chuyển quân tập kết..., đồng thời thống nhất việc tổ chức Ủy ban liên hiệp ở Trung ương và các địa phương. Thành phần đoàn Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp Trung ương cơ bản vẫn do các thành viên tham gia Hội nghị đảm nhiệm (Trưởng đoàn Văn Tiến Dũng; bổ sung thêm ủy viên Đồng Văn Cống và Hồ Xuân Anh thay cho Nguyễn Văn Long). Bên cạnh đó, Bộ tổng Tham mưu còn thành lập tổ theo dõi tình hình, do Cục trưởng Cục Tác chiến Trần Văn Quang phụ trách, có nhiệm vụ báo cáo hoạt động của Ủy ban đồng thời nhận chỉ thị của Tổng Tư lệnh chuyển tới đoàn Việt Nam. Về phía Pháp, Thiếu tướng Đentây làm Trưởng đoàn, Lennuyơ làm Phó đoàn.
Ngày 29.7.1954, Ủy ban liên hiệp Trung ương bắt đầu làm việc ở Trung Giã, sau đó chuyển về Phù Lỗ, Bắc Ninh, Hải Dương. Ngày 3.8, Việt Nam và Pháp kí hiệp nghị về tổ chức Ủy ban liên hiệp Trung ương, trong đó xác định: “Ủy ban liên hiệp Trung ương là cơ quan chính để bảo đảm thi hành Hiệp định đình chiến. Nó hành động song song với Ủy ban Quốc tế nhưng không phụ thuộc vào Ủy ban Quốc tế”.
Trên tinh thần quán triệt chỉ đạo và định hướng của trên, Bộ tổng Tham mưu xác định việc tổ chức thi hành Hiệp định Giơnevơ về mặt Quân sự một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đúng những quy định pháp lí được ghi trong các điều khoản Hiệp định, đồng thời phải nắm chắc âm mưu của địch để sẵn sàng chủ động đối phó với những hành động phá hoại của phía Pháp.
Cùng với cuộc đấu tranh gay go phức tạp ở Hội nghị Giơnevơ về những nguyên tắc lớn cơ bản chấm dứt chiến tranh, cuộc đấu tranh giữa phái đoàn Quân đội Nhân Dân Việt Nam với phái đoàn Pháp ở Hội Nghị Trung Giã cũng diễn ra căng thẳng trên những vấn đề cụ thể. Mặc dù không giải quyết được các nội dung như dự kiến, nhưng Hội nghị đã thể hiện hai bên muốn đàm phán đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho việc triển khai và thi hành Hiệp định Giơnevơ được nhanh chóng, kịp thời.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)