Hội nghị Trung ương 15 (1-21/1/1959)

    Nhân vật liên quan

    • Chủ tịch Đảng (2/1951 - 9/1969); Tổng Bí thư (10/1956 - 9/1960)Hồ Chí Minh

Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đại biểu của Xứ ủy Nam Bộ, Liên khu ủy Khu 5 và Ban cán sự Đảng các tỉnh cực Nam Trung Bộ tham dự. Hội nghị diễn ra trong tình hình Mĩ và chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam; đồng thời phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ, các hoạt động vũ trang bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa phương.

Hội nghị nhận định Cách Mạng Việt Nam lúc này phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là Cách mạng Xã hội chủ nghĩa  ở miền Bắc và Cách Mạng dân tộc Dân chủ Nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy khác nhau về tính chất, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, có ảnh hưởng sâu sắc và trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm mục đích chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Về Cách Mạng miền Nam, Hội nghị phân tích đặc điểm, tính chất xã hội miền Nam lúc này là xã hội thực dân kiểu mới, chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai cho đế quốc Mĩ, đại diện cho lợi ích giai cấp địa chủ phong kiến phản động ở miền Nam và tư sản mại bản thân Mĩ. Xuất phát từ âm mưu của kẻ thù và thực tiễn đấu tranh của nhân dân miền Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cơ bản của Cách Mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành Cách Mạng dân tộc Dân chủ Nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nhiệm vụ trước mắt là “đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mĩ; thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.

Hội nghị xác định phương hướng cơ bản của Cách Mạng miền Nam là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của Cách Mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với Lực lượng Vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng lên chính quyên Cách Mạng của nhân dân”. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phải không ngừng xây dựng và phát triển lực lượng Cách Mạng, đưa phong trào Cách Mạng tiến từ thấp đến cao, nắm vững thời cơ thuận lợi ở trong nước và thế giới, phát động quần chúng khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mĩ - Diệm.

Hội nghị dự kiến: Cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kì giữa ta và địch, Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chủ động đối phó với mọi tình thế. Trên cơ sở đó, Hội nghị nêu lên những công tác cấp bách về tăng cường xây dựng Đảng, tích cực chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mĩ - Diệm, vận dụng các hình thức và khẩu hiệu đấu tranh một cách khôn khéo.

Sau hơn 20 ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị kết thúc sau khi thảo luận kĩ thêm các biện pháp thực hiện. Đầu tháng 5.1959, văn bản chính thức của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 được ban hành nhưng ngay từ tháng 3 và 4.1959, các cán bộ Khu 5 và Nam Bộ tham dự Hội nghị đã lên đường trở lại chiến trường tiếp tục lãnh đạo phong trào Cách Mạng ở địa phương theo tinh thần của Hội nghị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 và tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9.1960) đã tiếp tục hoàn chình đường lối lãnh đạo của Đảng đối với Cách Mạng miền Nam. Thắng lợi của phong trào đồng khởi năm 1960 đánh dấu bước nhảy vọt đầu tiên của Cách Mạng miền Nam, điều đó chứng tỏ Hội nghị Trung ương 15  là một thành công điển hình của Đảng ta trong việc xác định đường lối Cách Mạng và phương pháp tiến hành, cũng như về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh Cách Mạng của nhân dân miền Nam. Với phong trào đồng khởi, cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thực sự được khởi động một cách độc đáo, phù hợp với tình hình và lực lượng Cách Mạng ở miền Nam, gây bất ngờ lớn cho địch, tạo đà cho Cách Mạng miền Nam vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước đi lên giành thắng lợi.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)