Hội nghị Trung ương 18 (27-30/1/1970)

Sau Tổng tiến công và nôi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Cách Mạng miền Nam đã giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, mở ra bước ngoặt quyết định trong cuộc Kháng chiến chống Mĩ. Tuy nhiên, đến cuối 1968 và năm 1969, Cách Mạng miền Nam đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng. Quân số, vũ khí, trang bị của các đơn vị Lực lượng Vũ trang và du kích bị tiêu hao rất nhiều nhưng nguồn bổ sung hầu như không có, phần lớn các đơn vị chủ lực phải rút về căn cứ; tình trạng thiếu đói về lương thực, thuốc men diễn ra dài ngày. Lợi dụng tình hình này, Mĩ và chính quyền Sài Gòn tập trung phản kích quyết liệt, Lực lượng Vũ trang Cách Mạng tiếp tục bị tiêu hao, cơ sở bí mật bị phá, vùng giải phóng và vùng tranh chấp ngày càng thu hẹp. Thế trận chiến tranh nhân dân bị suy giảm. Cục diện chiến trường tạm thời có lợi cho địch. Đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất của Cách Mạng miền Nam trong Kháng chiến chống Mĩ. Để từng bước khôi phục thế trận, tháng 4.1969, Bộ Chính trị đã phân tích tình hình thực tế trên chiến trường, chỉ rõ âm mưu và khả năng của địch, đề ra phương châm chiến lược và nhiệm vụ của Cách Mạng miền Nam.

Đầu 1970, Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Hội nghị lần thứ 18 tại Hà Nội bàn về phương hướng lãnh đạo Cách Mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Ngày 27.1, mở đầu kì họp, Bộ Chính trị đã trình bày báo cáo kiểm điểm lại sự phát triển của cục diện kháng chiến từ đầu Xuân Mậu Thân đến đầu 1970, chủ yếu là tình hình năm 1969, trên cơ sở đó, đề ra nhiệm vụ và những công tác lớn đế đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định. Báo cáo của Bộ Chính trị gồm 6 phần: thắng lợi về chiến lược to lớn, toàn diện chưa từng có của ta, thất bại nặng nề về mọi mặt của địch; âm mưu và chủ trương chiến lược của địch; nhiệm vụ trước mắt của ta; những chủ trương công tác lớn; nhiệm vụ của miền Bắc; kết luận.

Thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị, Hội nghị khẳng định những thắng lợi của quân và dân miền Nam trong hai năm, đồng thời nghiêm khắc phân tích những khuyết điểm của ta, chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là chưa nắm vững quy luật giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi quyết định trong đấu tranh Cách Mạng. Mặc dù ta nắm được âm mưu, thủ đoạn mới của địch nhưng chưa tìm ra được những biện pháp đối phó phù họp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ tiêu diệt địch với nhiệm vụ giành dân, giữa duy trì và đẩy mạnh chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị với xây dựng Lực lượng Vũ trang và chính trị ở cơ sở.

Về âm mưu và chủ trương chiến lược của Mĩ và chính quyền Sài Gòn, Hội nghị nhận định Mĩ buộc phải xuống thang chiến tranh từng bước, ít có khả năng duy trì chiến tranh quy mô như năm 1968-69 trong thời gian dài nhưng sẽ tiếp tục thực hiện chuyến hướng chiến lược, rút dần quân Mĩ, kéo dài chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm tạo thế mạnh trong quá trình xuông thang đê duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam. Cụ thể, duy trì số lượng nhất định quân Mĩ làm chỗ dựa cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, củng cố và tăng cường Quân đội và chính quyền Sài Gòn, tiếp tục thực hiện chiến lược “quét và giữ” trong điều kiện mới, lấy bình định làm biện pháp chiến lược chủ yếu, củng cố thế phòng ngự, đồng thời đẩy mạnh đánh phá vùng giải phóng, đe dọa mở rộng chiến tranh ở miền Bắc và Lào, gây sức ép nhiều mặt với Campuchia, bám giữ lập trường tại Hội nghị Pari.

Đồng ý với nhận định cùa Bộ Chính trị đưa ra trong Nghị quyết tháng 4.1969, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến chiến tranh có thể diễn ra 2 khả năng: một là, do tổn thất lớn trên chiến trường và khó khăn trong và ngoài nước, Mĩ buộc phải kết thúc chiến tranh sớm bằng một giải pháp chính trị có thể chấp nhận được; hai là, nếu ta tiến công mọi mặt không đủ mạnh, Mĩ cố gắng kéo dài chiến tranh ở miền Nam để xuống thang trên thế mạnh, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với thế giằng co lâu dài trước khi chịu thua và chấp nhận giải pháp chính trị. Trung ương khẳng định, chiến tranh diễn ra như thế nào phụ thuộc chủ yếu vào sức mạnh tiến công Quân sự, chính trị và ngoại giao của Cách Mạng.

Hội nghị Trung ương 18 đề ra nhiệm vụ của Cách Mạng Việt Nam là động viên nỗ lực cao nhất, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, tiếp tục phát triển chiến lược tiến công một cách toàn diện, liên tục và mạnh mẽ, đẩy mạnh tiến công Quân sự, chính trị kết hợp với ngoại giao, vừa tiến công vừa xây dựng Lực lượng Vũ trang và chính trị; đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mĩ, đánh bại âm mưu xuống thang từng bước, kéo dài chiến tranh để duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam; làm thất bại chiến lược phòng ngự của địch, tạo cục diện mới có lợi cho ta, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi quyết định, đánh cho Mĩ phải rút hết quân, Quân sự Sài Gòn suy sụp, tạo điều kiện cơ bản để miền Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất đất nước.

Phương châm chiến lược của ta trong giai đoạn mới là: đấy mạnh tiến công trên cả 3 mặt quân sự, chính trị, ngoại giao; kết hợp tiến công Quân sự với nổi dậy của quần chúng; kết hợp tiêu diệt sinh lực địch với giành và giữ vững quyền làm chủ của nhân dân; vận dụng đúng đắn phương châm tiến công trên cả 3 vùng. Trong đó, tiến công Quân sự đánh mạnh quân Mĩ, Quân đội Sài Gòn hỗ trợ đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng. Đi đôi với tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực để tiêu diệt từng đơn vị lớn, cần tăng cường mạnh chiến tranh du kích ở nông thôn và thành thị.

Hội nghị Trung ương 18 đã bàn kĩ về những chủ trương công tác cụ thể: 1) đẩy mạnh tiến công Quân sự và xây dựng Lực lượng Vũ trang: nắm vững đối tượng tác chiến, đẩy mạnh tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực, phát triển rộng khắp chiến tranh du kích, tăng cường sức mạnh và hiệu lực chiến đấu của các Lực lượng Vũ trang, tầm quan trọng về chiến lược của công tác hậu cần; 2) đẩy mạnh đấu tranh chính trị và xây dựng lực lượng chính trị ở thành thị; 3) đẩy mạnh đấu tranh Quân sự và chính trị ở nông thôn, phát động cao trào nối dậy của quần chúng, giành dân, giữ dân, mở rộng và củng cố vùng giải phóng, đánh bại kế hoạch bình định nông thôn; đẩy mạnh công tác binh địch vận.

Hội nghị một lần nữa khẳng định nhiệm vụ của miền Bắc là sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam; giúp Cách mạng Lào, Campuchia. Những nội dung thảo luận tại Hội nghị đã được cụ thể hoá bằng Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (số 196-NQ/TW ngày 10.3.1970), chỉ ra phương hướng hành động và nhiệm vụ cụ thể cho quân và dân trên cả hai miền Nam, Bắc. Cùng với những kết quả đạt được trong năm 1969 trên mặt trận Quân sự, chính trị, ngoại giao, phương hướng hành động mà Hội nghị Trung ương 18 đề ra là nhân tố rất quan trọng đưa Cách mạng vượt qua thử thách, khó khăn, đưa sự nghiệp Kháng chiến chống Mĩ, cứu nước tiếp tục tiến lên.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)