Về Cách Mạng miền Nam, Hội nghị đánh giá tình hình sau khi Giônxơn lên thay Tổng thống Kennơđi bị ám sát (22.11.1963). Mĩ đã tăng cường ủng hộ chính quyền Sài Gòn đây mạnh chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, gấp rút chuyên giao vũ khí hiện đại cho Quân đội Sài Gòn, đồng thời đây mạnh càn quét, bình định, lập ấp chiến lược, cố giành lại quyền chủ động trên chiến trường, với trọng tâm là vùng đồng bằng Nam Bộ, nhằm tiêu diệt Lực lượng Vũ trang Cách mạng, phá căn cứ, kho tàng, hệ thống giao liên vận tải của ta. Mĩ và Quân đội Sài Gòn tăng cường đánh phá ác liệt các vùng giải phóng, kết hợp sử dụng chất độc hoá học làm rụng lá cây, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch chiêu hồi (Kế hoạch Diên Hồng) nhằm mua chuộc, lôi kéo những phần từ mất ý chí chiến đấu, phản bội trong hàng ngũ Cách mạng. Phong trào Cách mạng nhân dân miền Nam, mặc dù phát triển rộng trên cả ba vùng chiến lược, các mũi đấu tranh Quân sự, chính trị phối hợp chặt chẽ hơn trước, nhưng trên chiến trường ta vẫn chưa đủ lực để đánh những trận tiêu diệt lớn, làm tan rã Quân đội Sài Gòn - chỗ dựa căn bản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch. Hội nghị đánh giá: Lực lượng Cách mạng miền Nam đã phát triển mạnh; nhân dân miền Nam đã vượt qua nhiều khó khăn sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú; tuy nhiên, ta phải tích cực chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó nếu Mĩ mở rộng cuộc chiến tranh ở miền Nam thành “chiến tranh cục bộ” nhưng không có khả năng phát triển thành chiến tranh thế giới. Xuất phát từ âm mưu của địch và đặc điểm của cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Hội nghị xác định phương châm chiên lược chung của cuộc chiến tranh Cách mạng của nhân dân miền Nam là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính; phương pháp đấu tranh là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt tùy theo từng vùng và từng thời ki khác nhau. Quá trình thực hiện phương châm chiến lược cũng là quá trình tích cực chuẩn bị để tiến tới bước quyết định đánh đồ hoàn toàn nền thống trị của địch ở miền Nam bằng tổng công kích và tổng khởi nghĩa. Quá trình tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa cũng là một quá trinh tổng công kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần, giằng co phức tạp, đánh lui địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi toàn bộ. Tuy nhiên, Nghị quyết của Hội nghị cũng nhấn mạnh, kiên trì chiến đấu lâu dài nhưng phương hướng phấn đấu là tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng quyết tâm giành thắng lợi có tính chất quyết định trong thời gian ngắn. Đối với miền Bắc, Hội nghị đề ra nhiệm vụ phải chuyển biến mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức lãnh đạo, tăng cường chi viện nhanh chóng, kịp thời cho Cách mạng miền Nam giành thắng lợi; đồng thời phải ra sức bảo vệ miền Bắc, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch.

Hội nghị đã thảo luận và ra nghị quyết “về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta”, trong đó phân tích đặc điểm tình hình thế giới, nội dung tính chất thời đại, chiến lược và sách lược, phương pháp đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Đảng phải bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa biệt phái trong phong trào cộng sản quốc tế, tăng cường đoàn kết quốc tế, kiên quyết chống Chủ nghĩa Đế quốc (đứng đầu là đế quốc Mĩ), ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh Cách mạng cùa nhân dân thế giới.

Những nghị quyết cùa Hội nghị Trung ương 9 đã kịp thời vạch ra phương hướng và hành động đúng đắn cho quân và dân ta tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành mới về lí luận và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh Cách mạng của Đảng Lao Động Việt Nam trong Kháng Chiến Chống Mĩ.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)