Hội nghị Vạn Phúc (18-19/12/1946)
Sau khi gây ra những hành động tiến công, gây chiến ở Hải Phòng và Lạng Sơn (20.11.1946), từ 7 đến 15.12.1946, quân Pháp tiếp tục tiến hành các hoạt động Quân sự ở Tiên Yên, Đình Lập và một số nơi khác, đồng thời tăng quân trái phép ở Hải Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đặc biệt nghiêm trọng là trong các ngày 15-19.12.1946, thực dân Pháp liên tiếp khiêu khích ở Thủ đô Hà Nội, gây ra các vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, cho quân đánh chiếm một số trụ sở cơ quan chính quyền (Bộ Tài chính, Bộ Giao thông công chính), gửi tối hậu thư đòi Lực lượng Vũ trang Việt Nam hạ vũ khí.
Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đi sâu phân tích những hành động khiêu khích, lấn chiếm của thực dân Pháp trong 2 tháng cuối năm 1946; nhận định âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam đã chuyển sang một bước mới, thời kì hòa hoãn đã qua, Việt Nam đã nhân nhượng để giữ hòa bình, nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới; cuộc kháng chiến sẽ lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô cả nước, đồng thời vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.
Một trong những nội dung quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày và được thông qua trong Hội nghị là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì. Kháng chiến toàn dân là cuộc kháng chiến do toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã, mỗi khu phố là một pháo đài. Kháng chiến toàn dân của Việt Nam mang một hình thái khác thường, đó là cuộc chiến tranh không có chiến tuyến nhưng đâu cũng là mặt trận; là cuộc chiến tranh theo kiểu cài răng lược, có trạng thái xen kẽ, chia cắt, bao vây địch, làm cho địch không có hậu phương và bị bao vây trong một cái lưới khổng lồ nhiều tầng, nhiều lớp, địch ở đâu đều gặp quân ta ở đó, ta gặp địch ở đâu là mở mặt trận ở đó. Đó còn là một cuộc chiến tranh tiêu thổ, phá hoại, khiến kẻ địch đi đến đâu cũng chỉ gặp “vườn không, nhà trống”, bị đói khát và bị tiêu hao, mệt mỏi, chán nản... Để thực hiện kháng chiến toàn dân, phải dựa vào khối đoàn kết toàn dân, được tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi, trong đó lấy công nông làm nền tảng. Đây vừa là vấn đề chiến lược, vừa là vấn đề phương pháp Cách Mạng.
Kháng chiến toàn diện nhằm khai thác và phát huy mọi tiềm năng và sức mạnh hiện thực của đất nước, vượt qua khó khăn, bẻ gãy mọi âm mưu thủ đoạn của địch trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, tâm lí. Mỗi người dân Việt Nam phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... Quân sự là việc chủ chốt của kháng chiến, nhưng không thể tách rời các mặt khác. Vừa phải biết đánh và đánh giỏi, vừa phải có chính sách đối nội, đối ngoại khôn khéo, bão đảm ăn no, đánh thắng, thực túc, binh cường, xây dựng nền văn hóa mới, đời sống mới, động viên mọi người hăng hái tham gia kháng chiến, tạo ra sức mạnh để kháng chiến thắng lợi.
Kháng chiến trường kì là quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Do tương quan lực lượng chênh lệch, nhân dân Việt Nam cần phải có thời gian để chuyển nhỏ thành lớn, chuyển yếu thành mạnh. Cuộc kháng chiến dự kiến trải qua ba giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, có thể phải tạm thời bỏ những thành thị lớn sau khi đã chiến đấu quyết liệt ở đó, nhưng vẫn phải liên tiếp quấy nhiễu ở những nơi địch tạm chiếm; giai đoạn cầm cự, phải giữ vững vị trí, tiêu hao lực lượng địch, bồi bổ thực lực mình; giai đoạn phản công, phải thực hiện phản công toàn thể, lấy lại toàn bộ đất nước.
Cùng với việc thông qua đường lối kháng chiến, Hội nghị cũng thông qua báo cáo Kế hoạch quân sự do Võ Nguyên Giáp trình bày và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, 20 giờ 3 phút ngày 19.12.1946, bản Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, chính thức mở đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp trên phạm vi cả nước.
Hội nghị Vạn Phúc thể hiện quyết tâm kháng chiến để bảo vệ nền độc lập mới giành được của nhân dân Việt Nam. Những quyết định sáng suốt và kịp thời được thông qua tại Hội nghị là những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp Cách Mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng đưa cuộc Kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)