Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (11/2015 - 4/2021)Nguyễn Hạnh Phúc

"Kết quả kỳ họp cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng vào các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận". Đây là khẳng định của Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 15/6/2018.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết: Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 7 dự án luật và 8 dự thảo Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án luật.

Cùng với công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó, có phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV nhằm khái quát kết quả chủ yếu của kỳ họp; đồng thời, quyết định một số vấn đề cụ thể, như giao Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội, ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt; chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)...

Đây cũng là kỳ họp Quốc hội đã tiến hành đổi mới, cải tiến phương thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi. Đổi mới này đã tạo điều kiện tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Quốc hội đã trao đổi, có ý kiến, phản hồi của chuyên gia, cử tri. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã lắng nghe, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng tiếp thu rất kỹ nội dung này, từ đó biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Việc quan trọng là tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được Luật An ninh mạng bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Đối với quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, vấn đề này không phải lần đầu tiên được quy định trong Luật. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng.  “Quy định này không phải là mới, rất cần báo chí, truyền thông giải thích để người dân hiểu rõ”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời, làm rõ những vấn đề được dư luận quan tâm, trong đó có việc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, về dự án Sào Khê (Ninh Bình).../.