Huế - một vùng đất đặc biệt riêng có của Việt Nam

Hà Nội (TTXVN 06/06/2024) Với một di sản văn hoá vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc tuý của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hoá độc đáo của Việt Nam và thế giới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Huế đã nhận xét rằng, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một bảo tàng kỳ lạ, độc đáo của nền văn hoá vật chất và tinh thần của Việt Nam.

Linh vật rồng tạo điểm nhấn trong không gian Hội xuân bên bờ sông Hương. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

  * Một vùng đất đặc biệt riêng có của Việt Nam

Với vị trí trọng yếu, hình sông thế núi thơ mộng, hữu tình nên Huế luôn được các đời vua chúa trước đây lựa chọn xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Chính điều này đã làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc với nhiều loại hình phong phú từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể như kiến trúc, lễ hội, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, nghề thủ công, ẩm thực...

Tiêu biểu nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hàng ngàn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ngày 11/12/1993.

Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây; được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên.

Du khách du xuân tại Đại nội Huế. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Nằm hai bên bờ sông Hương là lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga, tráng lệ, Huế còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền, mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, đàn Nam Giao - nơi vua tế trời, đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa..

Và gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh... mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu... gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ.

Huế hiện có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016); và 2 di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh.

Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa Huế đã nhận xét rằng, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một bảo tàng kỳ lạ, độc đáo của nền văn hoá vật chất và tinh thần của Việt Nam.

  * Phát triển bền vững thương hiệu thành phố Festival

Kho di sản văn hóa đồ sộ độc đáo chính là tài sản vô giá mà tiền nhân để lại cho Huế; là nguồn lực quý để Thừa Thiên Huế khai thác phát triển kinh tế, du lịch; là cơ sở, động lực để xây dựng, phát triển trở thành đô thị di sản, thành phố festival đặc sắc.

Dấu ấn nổi bật của Huế trong việc phát huy lợi thế các di sản, văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới chính là xây dựng và tổ chức thành công Festival Huế.

Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (6/2024). Ảnh: Tường Vi – TTXVN

  Festival Huế là một đại chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, diễn ra trong thời gian dài gần nửa tháng vào các năm chẵn và các sự kiện được tổ chức liên tục ở nhiều địa điểm trên khắp thành phố Huế và các vùng phụ cận. Ngoài những chương trình mang đậm dấu ấn cung đình, văn hóa truyền thống Huế như đêm hoàng cung, dạ tiệc cung đình, lễ ban sóc, lễ đổi gác, lễ tế giao, lễ hội áo dài... Festival Huế còn có nhiều chương trình nghệ thuật mới, mang hơi thở thời đại do các đoàn nghệ thuật nổi tiếng đến từ nhiều nước tham gia biểu diễn như: Pháp, Achentina, Anh, Ấn Độ, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italy, Lào, Mông Cổ, Mehico, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Austrlia... Vai trò và vị thế của Festival Huế ngày càng được khẳng định qua quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.

Xuất phát từ những kết quả bước đầu của Festival Việt-Pháp 1992 giữa thành phố Huế và Codev Việt Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tháng 10/1998, Chính phủ đã có Quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000. Và như thế, cứ hai năm một lần, bạn bè trong nước và quốc tế cùng hẹn nhau về Huế hòa trong mối giao lưu, đoàn kết, hữu nghị và hòa bình của Festival Huế.

Kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1992 đến nay Festival Huế đã trải qua 12 kỳ, tạo được dấu ấn rất lớn với những hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc tế, trở thành một festival được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Thế mạnh lớn nhất của Huế là văn hóa và di sản nên việc khai thác các tiềm năng về di sản làm chất liệu cho festival là điểm quan trọng nhất. Do đó, chủ đề xuyên suốt của Festival Huế là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Nếu như trước đây mỗi kỳ Festival Huế thường được tổ chức tập trung vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, thì từ năm 2022 Festival Huế được đổi mới theo hình thức lễ hội bốn mùa. Mỗi mùa trong năm sẽ có một đợt festival mang chủ đề, chủ điểm khác nhau, phù hợp với điều kiện thời tiết, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống của xứ Huế… ./.

  Phương Anh (tổng hợp)