I - Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI (1976-1981)

 

 Sau ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Tuy nhiên trên thực tế đã tồn tại hai Chính phủ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ ngày 15/11 đến ngày 21/11/1975, tại Sài Gòn-Gia Định đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương chính trị bàn vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị Hiệp thương chính trị đã quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước.

Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành trong cả nước.

Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội thảo luận và thông qua báo cáo Chính trị và các Nghị quyết quan trọng:

1- Tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô, Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất:

- Tên nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

- Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Thủ đô: Hà Nội

- Quốc ca: Bài Tiến quân ca.

2- Khóa Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là Quốc hội khóa VI.

3- Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khi chưa có Hiến pháp mới.

4- Thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5- Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

6- Thành lập 6 Ủy ban của Quốc hội.

Quốc hội đã bầu:

Chủ tịch nước: Cụ Tôn Đức Thắng

Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Lương Bằng, Ông Nguyễn Hữu Thọ.

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ông Trường Chinh.

Thủ tướng Chính phủ: ông Phạm Văn Đồng.

Quốc hội đã thông qua danh sách Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội.

Về đơn vị hành chính, sau ngày đất nước thống nhất, cả nước chia thành 38 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 15/7/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết 254-NQ/TW về những công tác trước mắt ở miền Nam.

Ngày 3/8/1976, Thủ tướng Chính phủ Quyết định việc giao nhiệm vụ cho quân đội xây dựng kinh tế dưới các hình thức tổ chức: Lực lượng chuyên xây dựng và sản xuất là lực lượng chính quy của quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế lâu dài; Các xí nghiệp công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhận thêm nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng quốc kế dân sinh;

Các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu kết hợp sản xuất, xây dựng.

Ngày 18/9/1976, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về việc:

- Thành lập thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng;

- Thành lập huyện Côn Sơn trên đảo Côn Sơn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ở những đảo có dân số trên dưới 1.000 dân thì được thành lập xã.

Ngày 25/9/1976, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định về chính sách xóa bỏ triệt để tình trạng chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 25/9/1976, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Đây là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm hướng dẫn và cải tạo kinh tế tư bản tư doanh đi dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội thông qua con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Ngày 14/10/1976, Chính phủ Quyết định thành lập Tổng cục Khí tượng và Thủy văn trực thuộc Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Nha Khí tượng và Cục Thủy văn.

Ngày 16/10/1976, Thủ tướng Chính phủ Quyết định huyện Côn Sơn (trên đảo Côn Sơn) thuộc tỉnh Hậu Giang.

Ngày 20/10/1976, Chủ tịch nước ký lệnh tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 97 đơn vị và 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng - Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, Đại hội đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã thảo luận và nhất trí quyết định những vấn đề lớn của đất nước: Quyết định đường lối Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới; Quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980); Quyết định đường lối xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới; đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư.